Xử lý nghiêm việc “làm mới” chùa Bối Khê

Chùa Bối Khê là một danh thắng nổi tiếng của xứ Đoài. Các hạng mục của chùa đang trong trạng thái tốt, thế nhưng, bỗng nhiên nhà chùa cho đập cổng cũ, thay thế bằng cổng mới, phá vỡ sự hài hòa cảnh quan. Chính quyền địa phương biết sai phạm này nhưng vẫn cho phép xây tiếp. Câu chuyện tự ý phá di tích xây lại sẽ còn kéo dài, nếu không có biện pháp kiên quyết xử lý khi xảy ra sai phạm.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc những công trình "lạ" tại chùa Bối Khê (tên chữ là Ðại Bi tự, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), ngày 17-4, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã cử đoàn công tác xuống kiểm tra hiện trường. Ông Trường Thành, đại diện Ban quản lý di tích, danh thắng TP Hà Nội cùng Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai, đại diện UBND xã Tam Hưng, đã xác nhận những sai phạm trong xây dựng chùa Bối Khê là có thật. Cụ thể, hai bên gác chuông chùa Bối Khê có hai chiếc cổng cổ nhưng đã bị phá hủy hoàn toàn. Tại vị trí hai chiếc cổng cũ, phía bên trái đã xây dựng một chiếc cổng mới cao, rộng hơn, trang trí đắp nổi cầu kỳ và có thêm cả hai cột trụ. Phía bên phải là một chiếc cổng đang xây dựng dở dang. Ðoàn công tác xác định, việc xây dựng công trình cổng chùa Bối Khê là trái phép, chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng, chưa có hồ sơ thiết kế. Trước đó, ngày 16-4, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Ðộng đã ký Văn bản số 1248/SVHTT-QLDT gửi UBND huyện Thanh Oai, đề nghị UBND huyện chỉ đạo các phòng chức năng, phối hợp UBND xã Tam Hưng đình chỉ việc thi công.

Chùa Bối Khê là một danh thắng nổi tiếng xứ Ðoài. Ngôi chùa được xây dựng trong một không gian cảnh quan độc đáo. Lớp đầu tiên là cổng ngũ môn. Qua ngũ môn có một cây cầu dẫn qua hào nước, là dấu tích của một dòng sông cổ, đến lớp thứ hai là tam quan. Trong đó, cổng chính của tam quan được thiết kế hai tầng, tầng hai là gác chuông. Hai cổng phụ vừa bị đập đi xây mới. Ðường dẫn vào chùa sau tam quan có hai hồ nước hai bên với những cây cổ thụ tạo nên một không gian xanh mát hiếm có. Chùa Bối Khê là ngôi chùa lớn, có kiến trúc nội công, ngoại quốc. Hệ thống tượng Phật cũng hết sức độc đáo, với 52 pho, trong đó có pho tượng Phật nghìn tay nghìn mắt thời Lý, hay bệ đá thời Trần, chịu ảnh hưởng của mỹ thuật Chiêm Thành. Ngoài ra, chùa còn có nhiều hiện vật, dấu tích kiến trúc trải qua các đời Lê, Mạc, Lê Trung hưng và Nguyễn. Nhiều mảng chạm khắc thuộc hàng kinh điển của nghệ thuật điêu khắc cổ truyền. Và chùa Bối Khê còn đặc biệt bởi thờ Ðức thánh Bối - tức nhà sư, đạo sĩ Nguyễn Bình An (thời Trần), người sinh ở Bối Khê và có công xây dựng chùa. Với những giá trị độc đáo này, chùa Bối Khê được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa từ năm 1979.

Hiện tại, công trường thi công đã bị đình chỉ nhưng hai cổng cũ vốn rất hài hòa với không gian thì đã bị phá hủy hoàn toàn. Vấn đề nghiêm trọng hơn ở chỗ, từ cuối năm 2018, nhà chùa đã tự ý đập cổng để xây lại. Sở Văn hóa và Thể thao đã có công văn gửi UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo các phòng, ban để xử lý. Tuy nhiên, kết quả của việc xử lý theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao là, chùa… vẫn xây tiếp. Gần nửa năm sau, khi Sở Văn hóa và Thể thao một lần nữa có ý kiến, thì UBND huyện Thanh Oai và chính quyền xã Tam Hưng mới can thiệp.

Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ trực tiếp quản lý một số di tích, danh thắng quan trọng, số còn lại, phân cấp cho địa phương quản lý. Với trường hợp chùa Bối Khê, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý là UBND huyện Thanh Oai, UBND xã Tam Hưng. Việc phá bỏ, xây mới một số hạng mục chùa Bối Khê cho thấy sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc thiếu trách nhiệm trong quản lý, khiến di tích liên tục bị "làm mới" đã xảy ra nhiều lần, trong đó nghiêm trọng nhất là hành vi tự ý phá dỡ mà không được phép của cơ quan chức năng đã nhiều lần xảy ra. Trong đó, địa bàn huyện Thanh Oai diễn ra nhiều sai phạm như: tự ý xây mới nhiều hạng mục tại chùa Sổ (xã Tân Ước), xây mới nhiều hạng mục tại chùa Khúc Thủy (xã Cự Khê). Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân thường hết sức "nhẹ nhàng". Ðiều đó khiến nhiều người bất chấp những quy định pháp luật về bảo vệ di sản. Nếu thành phố không có các biện pháp kiên quyết, câu chuyện tự ý "đập đi, xây lại" sẽ có thể còn tiếp tục xảy ra ở hàng loạt di tích khác.