Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Thủ đô

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, phát triển nông thôn bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, TP Hà Nội đang tập trung triển khai Ðề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Kiểm tra nhân cấy mô hoa lan giống tại Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Ðình, huyện Ðan Phượng). Ảnh: BÁ HOẠT
Kiểm tra nhân cấy mô hoa lan giống tại Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Ðình, huyện Ðan Phượng). Ảnh: BÁ HOẠT

Sau gần 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội, nhiệm kỳ 2015-2020, về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân, đến nay khu vực nông thôn Hà Nội có nhiều thay đổi tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển, ngày càng thuận lợi nhờ hệ thống hạ tầng được đầu tư, cải tạo. Ðời sống người dân khu vực nông thôn được cải thiện, thu nhập dự kiến cuối năm nay đạt khoảng 55 triệu đồng/người. Thành phố có sáu huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, 355 xã đạt chuẩn NTM, chiếm gần 93% tổng số xã trên địa bàn thành phố, trong đó có 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Từ nay đến cuối năm 2020, thành phố phấn đấu nâng số xã được công nhận NTM lên 371 xã, trong đó có 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM; đến 2025 toàn bộ các xã ở Hà Nội là xã NTM, trong đó, có 40% số xã đạt NTM nâng cao, 20% số xã đạt NTM kiểu mẫu và năm huyện phát triển lên quận. Ðể thực hiện mục tiêu này, Thành ủy Hà Nội giao Hội Nữ trí thức Hà Nội chủ trì, phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Huyện ủy, UBND các huyện Ðan Phượng, Thường Tín xây dựng đề án thí điểm xây dựng xã NTM kiểu mẫu Thủ đô tại xã Ðan Phượng (huyện Ðan Phượng) và xã Hồng Vân (huyện Thường Tín).

Theo đại diện Hội Nữ trí thức Hà Nội, mục tiêu đề án phải bảo đảm đạt bốn tiêu chí theo Quyết định số 691/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và bảy tiêu chí theo quy định của UBND thành phố Hà Nội về NTM kiểu mẫu, hướng tới phát triển nông thôn Thủ đô bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ðồng thời nông thôn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; khoa học - công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất; môi trường sinh thái trong lành, bản sắc văn hóa đặc trưng của làng quê được gìn giữ và phát huy. An ninh trật tự được bảo đảm, công tác quản trị nông thôn được nâng cao… PGS, TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết, nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đã có thay đổi tích cực, nhưng còn một số hạn chế như phát triển chưa bền vững, giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao, tình trạng ly nông, ly hương vẫn gia tăng. Nông nghiệp, nông thôn chưa có nét đặc sắc của Thủ đô. Vì thế, ngoài các tiêu chí đã quy định, đề án tập trung làm rõ các điều kiện khó khăn, thuận lợi của từng xã, trong đó tập trung vào các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, môi trường, quản trị nông thôn để đề ra giải pháp xây dựng mô hình thí điểm NTM kiểu mẫu, khai thác lợi thế, thế mạnh của từng địa phương.

Ðồng tình với các nội dung đề án, Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng, Nguyễn Hữu Hoàng cho biết thêm, sau khi hoàn thành xây dựng NTM năm 2015, huyện rất lúng túng, lo lắng trong việc duy trì chất lượng các tiêu chí, tránh tình trạng bị hạ điểm. Tại thời điểm này, các tiêu chí, hướng dẫn xây dựng xã NTM kiểu mẫu chưa có, cho nên huyện tiến hành rà soát lại toàn bộ các nhu cầu của người dân, nhất là việc đổi mới tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vệ sinh môi trường, tăng cường tình làng nghĩa xóm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân… để xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Các nội dung này được đúc kết thành mục tiêu cụ thể, dễ nhớ: Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm; phù hợp nguyện vọng của người dân, được người dân đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, chất lượng các tiêu chí NTM được nâng lên và dự kiến cuối năm nay toàn bộ các xã của huyện Ðan Phượng đạt NTM nâng cao, điều kiện rất thuận lợi để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Từ thành công bước đầu này, huyện đề nghị Ðề án cần bám sát thực tiễn, tìm ra những nét đặc sắc của cơ sở để khai thác, phát huy, sẽ thuận lợi cho quá trình triển khai và đạt hiệu quả cao nhất.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Nguyễn Minh Mười cũng nhận định, đề án xây dựng các xã NTM kiểu mẫu cần quan tâm đến công tác quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai chặt chẽ và nghiên cứu thêm việc xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi..., tạo điểm nhấn khác biệt giữa các xã.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác quý III, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ngô Thị Thanh Hằng đã nhấn mạnh: Ðề án thí điểm xã NTM kiểu mẫu Thủ đô rất quan trọng, cần thiết, nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về NTM và Chương trình số 02 của Thành ủy. Dự thảo Ðề án được chuẩn bị khá công phu, nội dung cơ bản đầy đủ, đánh giá được những kết quả đã đạt được, phân tích các điều kiện thuận lợi, khó khăn và đề ra được một số giải pháp để xây dựng mô hình thí điểm phát triển xã NTM kiểu mẫu tại hai huyện Ðan Phượng và Thường Tín. Ðể đề án triển khai có hiệu quả, chất lượng cao, Hội Nữ trí thức Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung các ý kiến góp ý để hoàn thiện, trong đó, cần lưu ý bổ sung các giá trị cốt lõi của mô hình xã NTM kiểu mẫu Thủ đô. Các giải pháp cần chi tiết, cụ thể hơn, nhất là các vấn đề về nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường; về cơ chế chính sách thực hiện, về quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, trật tự xây dựng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tiệm cận các tiêu chí đô thị.