Vùng đất nhớ của Thủ đô

Hơn 40 năm trước, hàng nghìn thanh niên Hà Nội theo tiếng gọi xây dựng Tổ quốc, đã rời Thủ đô đến Lâm Hà (Lâm Ðồng), xây dựng vùng kinh tế mới, để hôm nay, giữa đại ngàn nam Tây Nguyên, ta được gặp hình bóng một Thăng Long - Hà Nội…

Trung tâm huyện Lâm Hà nhìn từ trên cao.
Trung tâm huyện Lâm Hà nhìn từ trên cao.

Mở đất

Từ TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng) theo tỉnh lộ 725, xuôi đèo Tà Nung sẽ gặp xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Cái tên gợi nhớ về vùng ngoại ô Hà Nội. Bâng khuâng khi gặp hình ảnh Hà Nội giữa cao nguyên, bất chợt nghe được giọng bắc ngọt ngào: "Ðây là ngoại thành, anh đi hết xã này vào Nam Ban, đó mới là thủ đô". Cô gái chưa kịp hỏi tên nói vui mà gợi biết bao hình ảnh về "vùng đất nhớ của Thủ đô". Ði tiếp, qua tổ dân phố Từ Liêm, Ðông Anh, chợ Thăng Long và cung đường Ðiện Biên Phủ dẫn chúng tôi đến khu phố Trưng Vương, Ba Ðình, trung tâm thị trấn Nam Ban. Ði giữa đại ngàn mà cứ ngỡ Thủ đô... Huyện lỵ của Lâm Hà là thị trấn Ðinh Văn, nhưng "thủ phủ" người Hà Nội ở Lâm Ðồng chính là thị trấn này.

Trong nếp nhà gợi nhớ cố hương, nhấp ngụm chè bắc đặc sánh, ông Trần Ðình Tải (tổ dân phố Trưng Vương, thị trấn Nam Ban), xuôi dòng ký ức về 43 năm trước. Ngày 29-3-1976, 125 thanh niên thuộc Tổng đội Thanh niên tiền trạm Gia Lâm, tạm biệt Thủ đô Hà Nội vào nam Tây Nguyên khai hoang mở đất, xây dựng một Hà Nội thứ hai giữa đại ngàn. Rồi lần lượt bảy tổng đội lao động tiền trạm Ðông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, các khu phố Ba Ðình, Ðống Ða, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng lần lượt lên đường. Ngày đó, anh Tải 29 tuổi, được Công an TP Hà Nội cử tăng cường hỗ trợ an ninh Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Nam Ban. Ðến cuối năm 1977, đã có 2.350 thanh niên đi tiền trạm vào vùng Nam Ban.

Ngồi bên chồng, bà Nguyễn Thị Sau, vợ ông Tải, thổ lộ: "Những ngày đầu mới vào gian khổ lắm, rừng núi thâm u đầy thú dữ và dấu giày của tàn quân Phun-rô. Ðêm đốt củi ngo lấy ánh sáng. Mình vừa dạy học, vừa thấp thỏm lo âu… Nhưng rồi mọi khó khăn, vất vả đã qua, giờ Nam Ban đã thành vùng quê trù phú". Bà Sau dạy cấp hai ở Hà Nội, sau khi cùng chồng con vào lập nghiệp vùng quê mới, bà tiếp tục theo nghiệp "trồng người" tại trường Thăng Long, Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Ðồng và về hưu năm 1995. Ông bà đã có năm người con thành đạt, đều là cử nhân, thạc sĩ và bảy đứa cháu, cùng vui vầy trên vùng quê mới ân nặng nghĩa tình.

Nhắc đến thời mở đất, không thể nào quên nguyên Bí thư Ðoàn TNCS vùng kinh tế mới Hà Nội Phan Hữu Giản, người con quận Tây Hồ, Hà Nội. Dù nay đã xấp xỉ tuổi bát tuần, từng kinh qua các chức vụ: Bí thư Ðảng ủy, Phó trưởng Ban xây dựng Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Ðồng; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Ðồng; Bí thư Huyện ủy Lâm Hà, Bí thư Thành ủy Ðà Lạt…, nhưng những câu chuyện về tuổi trẻ Thủ đô những ngày đầu mở đất trong trí nhớ của ông không hề lạt phai. "Lúc đó tôi là Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội công tác tại Trường đại học Nông nghiệp 1, được Thành ủy, Thành đoàn điều động vào phụ trách Ðoàn thanh niên Vùng kinh tế mới… Ngày đó, mỗi tổng đội được khoanh một phạm vi diện tích nhất định, cách nhau chừng 3 đến 5 km, lấy khu Ba Ðình làm trung tâm. Cuộc sống sinh hoạt gian lao vất vả, nhưng với khí thế "ba sẵn sàng" của tuổi trẻ, chúng tôi đã vượt qua". Hơn hai nghìn thanh niên tiền trạm đã phát huy vai trò xung kích, hoàn thành những nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cơ bản để tiếp tục xây dựng thành công Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Ðồng.

Hà Nội mới trên cao nguyên

Trên cung đường nhựa nối những khu phố mang danh đất Hà thành trên cao nguyên, ông Vũ Xuân Nhã (60 tuổi), người gốc làng Võng La (huyện Ðông Anh, Hà Nội), theo bố mẹ vào Nam Ban từ những ngày đầu khai hoang lập nghiệp, cho biết: "Nhắc lại xúc động lắm. Từ một vùng hoang vu, lâu lâu mới gặp được một người đồng bào bản địa, giờ Nam Ban, Lâm Hà không khác gì phố thị". Phóng tầm mắt về phía núi xa, giữa bạt ngàn nương dâu, đồi cà-phê mùa trĩu quả, ông Nhã nói: Cái tên Lâm Hà được ghép từ hai chữ đầu của Lâm Ðồng và Hà Nội, ý nghĩa lắm. Ngày 28-10-1987, đánh dấu sự ra đời của huyện mới Lâm Hà trên miền đất đỏ ba-dan.

Qua 11 năm, từ 1976 đến 1987, vùng quê mới Lâm Hà đã đón hơn 5.100 hộ dân, với 23.665 người con Hà Nội, Kinh Bắc vào sinh cơ lập nghiệp. Giờ đây, dân số huyện Lâm Hà đã hơn 144 nghìn người, gồm 30 dân tộc anh em từ khắp mọi miền của Tổ quốc quần tụ sinh sống tại 14 xã, hai thị trấn. Trong đó, phần lớn là người dân gốc Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh vào xây dựng vùng kinh tế mới sau khi đất nước thống nhất. Riêng miền đất trù phú Nam Ban giờ có hơn 11,5 nghìn cư dân sinh sống. Nhắc chuyện xưa, Bí thư Ðảng ủy thị trấn Nam Ban Thái Văn Mai, người gốc Ðông Anh, Hà Nội, cho biết: "Mới đó mà giờ đã hai, ba thế hệ gắn bó với miền đất này. Kinh tế đã phát triển vượt bậc, nhưng nét văn hóa Tràng An, phong tục tập quán không hề phai nhạt".

Giờ đây, trên bản đồ huyện Lâm Hà dễ thấy rằng, Nam Ban nằm giữa là quê mới của người dân từ các quận Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Ðống Ða… và huyện Từ Liêm cũ; phía bắc huyện là xã Mê Linh, phía nam là xã Gia Lâm; phía đông là xã Ðông Thanh (huyện Ðông Anh và Thanh Trì), phía tây là xã Nam Hà… Qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, từ vùng đất hoang hóa sau chiến tranh, rừng núi hoang vu, Lâm Hà đã trở thành vùng quê trù phú. Toàn huyện có hơn 40 nghìn ha cà-phê, hơn 2.626 ha dâu, 234 ha chè và hơn 11,2 nghìn ha nông nghiệp công nghệ cao; đường nhựa, bê-tông đã đến hầu hết các xã, thôn, buôn; đời sống người dân từng bước được cải thiện. "Lâm Hà đã có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và ba xã còn lại sẽ về đích năm nay. Thu nhập bình quân đầu người hơn 60 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 2%", Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Ðức Tài cho biết.

Cái tên Lâm Hà từng bước được định hình rồi trở thành nỗi nhớ, niềm xúc động về một biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó giữa Ðảng bộ, nhân dân Hà Nội và Lâm Ðồng. Sự chung tay, góp sức của người dân Hà Nội - Lâm Ðồng đã tạo dựng sức sống mới cho mảnh đất cao nguyên. Nhiều nhiệm kỳ qua, Hà Nội đều có kế hoạch đầu tư, hỗ trợ Lâm Hà, bình quân từ 70 đến 80 tỷ đồng/năm, để Lâm Hà làm đường, trường học, trạm xá…