Vai trò của cấp ủy trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để bảo vệ sức khỏe cho người dân, xử lý kịp thời những vi phạm về an toàn thực phẩm đòi hỏi sự chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong lĩnh vực này.

Lực lượng chức năng kiểm tra tủ bảo quản sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Khánh Thịnh, quận Hoàng Mai. Ảnh: THIÊN TÚ
Lực lượng chức năng kiểm tra tủ bảo quản sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Khánh Thịnh, quận Hoàng Mai. Ảnh: THIÊN TÚ

Năm 2016, quận Thanh Xuân đã xây dựng đề án Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận, giai đoạn 2017-2020. Thực hiện đề án này, quận Thanh Xuân đã chọn tuyến phố Thượng Đình xây dựng thành tuyến phố kiểm soát ATTP, từ đó tạo sức lan tỏa. Đây là một thách thức không nhỏ, bởi phố Thượng Đình nằm ven sông Tô Lịch, trải dài qua địa bàn sáu phường khác nhau, có gần 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố với lượng khách lớn. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến cho biết, ngay khi chọn tuyến phố này để làm thí điểm, Sở Y tế đã hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm với từng hộ sản xuất, kinh doanh. Sau đó, với quyết tâm bảo đảm vệ sinh ATTP từ khâu chế biến và tiêu dùng, các đồng chí phó chủ tịch UBND quận, UBND phường đến gặp, giải đáp thắc mắc của các hộ kinh doanh, giúp họ thay đổi nhận thức và hành động.

Tuyến phố kiểm soát ATTP Thượng Đình đi vào hoạt động từ tháng 12-2017 đã tạo nhiều thay đổi trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Tất cả các nhà hàng, quán ăn trên tuyến phố đều đồng thuận thực hiện chương trình, công khai danh mục nguồn gốc nguyên liệu dùng chế biến thức ăn, thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP. Lực lượng chức năng quận Thanh Xuân và phường Thượng Đình thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở này, ít nhất là hai lần/tuần. Đến nay, tất cả các cửa hàng ở tuyến phố đều bảo đảm 10 tiêu chí về ATTP, tất cả mẫu bát đũa khi xét nghiệm độ sạch đều đạt yêu cầu, khách hàng đến ngày càng đông hơn. Từ những thành công bước đầu của mô hình thí điểm, quận Thanh Xuân phấn đấu từ nay đến năm 2020, mỗi phường sẽ có một, hai tuyến phố được kiểm soát về ATTP.

Thực tế cho thấy, ở địa phương nào mà lãnh đạo quan tâm, sát sao, thì công tác bảo đảm vệ sinh ATTP ở địa phương đó được cải thiện đáng kể. Quận Hà Đông là địa phương tập trung nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học... số lượng bếp ăn tập thể phát triển tương đối nhanh. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường chia sẻ, để quản lý tốt công tác vệ sinh ATTP tại các bếp ăn tập thể, nhất là tại 103 bếp ăn trường học, quận đã phân loại để có giải pháp phối hợp hiệu quả. Cụ thể, quận yêu cầu tại các trường học phải có đại diện giám sát bếp ăn tập thể ngay từ nguồn thực phẩm nhập vào, lưu mẫu thực phẩm 24 giờ theo đúng quy trình. Với các trường học mới, quận yêu cầu phải bảo đảm đầu tư bếp hiện đại và nhân sự chuyên nghiệp. Còn 209 bếp ăn nhỏ (dưới 50 suất ăn) sẽ do phường quản lý; các bếp không tự nấu phải có hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn bảo đảm uy tín, chất lượng. Quận Hà Đông còn trợ giá cho các đơn vị sử dụng thực phẩm an toàn của các hợp tác xã sản xuất, chế biến rau củ quả. UBND quận có trách nhiệm tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra đột xuất để nhắc nhở, xử lý các vi phạm. Nhờ đó, tại quận Hà Đông nhiều năm qua chưa xảy ra ngộ độc ở các bếp ăn tập thể.

Hiện nay, tại Hà Nội có gần 140 nghìn cơ sở ký cam kết về ATTP. Tuy nhiên, với 454 chợ, hơn 1.000 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công, gần 70 nghìn cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm, 40% lượng thực phẩm nhập từ các địa phương trong nước và nước ngoài, thì công tác bảo đảm vệ sinh ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, do quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ; nguồn lực và đầu tư kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập... Chưa kể ý thức chấp hành các quy định về ATTP của cả người bán và người mua vẫn còn yếu.

Trước tình hình này, để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi thực phẩm không an toàn, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thì rất cần sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của quận ủy, cấp ủy đảng cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý về vệ sinh ATTP, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường phối hợp triển khai, đẩy mạnh xây dựng mô hình bảo đảm vệ sinh ATTP từ cơ sở... Khi vai trò của các cấp ủy được phát huy, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP sẽ đạt kết quả khả quan.