Ðưa di sản gần gũi với trẻ em

Không cần phải đi đâu xa, trẻ em cũng có cơ hội trải nghiệm những trò chơi dân gian, những nghề truyền thống và vào vai những sĩ tử ngày xưa đi thi... ngay tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình "Sĩ tử nhí - Chắp cánh ước mơ" của Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Qua đó, góp phần đưa di sản gần gũi với trẻ em, giúp các bạn thiếu nhi có một mùa hè bổ ích.

Các em nhỏ trải nghiệm kỹ thuật làm giấy dó. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Các em nhỏ trải nghiệm kỹ thuật làm giấy dó. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Từ cuối tháng 5, không gian hồ Văn (di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) đã được bài trí lại trông giống như một làng quê đất Việt. Quanh hồ Văn, nép dưới những tán cây là những mô hình nhà phỏng theo kiến trúc cổ, với mái lợp ngói vảy cá hay giản dị hơn là lợp lá cọ. Lối ra vào được dựng lên một chiếc cổng, với tấm biển "Làng Sĩ tử". Ðó chính là không gian mà các bạn trẻ được tìm hiểu, trải nghiệm rất nhiều trò chơi dân gian, nghề truyền thống... Ngay ở "đầu làng", là một gian dành riêng giới thiệu thực hành làm giấy dó. Một số công đoạn như ngâm dó (hay cây dướng), giã dó... được giới thiệu thông qua tranh ảnh. Các dụng cụ, vật liệu làm giấy dó gồm: bể nước, liềm seo, bột dó... được các nghệ nhân thuộc nhóm làm giấy dó Suối Cỏ (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) chuẩn bị sẵn, những bạn nhỏ nào có nhu cầu sẽ được nghệ nhân hướng dẫn cách làm ra một tờ giấy dó. Sau khi được các nghệ nhân hướng dẫn, em Nguyễn Trí Quang (Trường THCS Quảng An, quận Tây Hồ) đã thử tự tay mình cho bột dó vào liềm seo (một tấm mành tre đặt trong khuôn gỗ), rồi chao đi, chao lại trong bể nước. Khi bột dó được dàn đều trên liềm seo, em nhấc lên khỏi mặt nước, một tờ giấy đã được định hình. Em Nguyễn Trí Quang chia sẻ: "Hôm nay đến đây em mới được biết giấy dó là loại giấy người xưa dùng để viết sách, sáng tác thơ văn và việc làm ra một tờ giấy dó phức tạp đến thế. Qua việc tìm hiểu nghề làm giấy dó, em thấy quý trọng hơn những tờ giấy mà mình đang dùng".

Ngay cạnh gian giới thiệu nghề làm giấy dó là gian trưng bày, hướng dẫn làm tranh dân gian. Tại đây, Ban Tổ chức giới thiệu các dòng tranh như: Hàng Trống, Kim Hoàng, Ðông Hồ. Các em nhỏ sẽ được học cách in tranh và cũng có thể tập tô mầu cho một số bức tranh in sẵn nếu muốn thử sức. Tại đây, cũng có một gian dành cho các em nhỏ tập viết thư pháp, do Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm phụ trách. Các gian giới thiệu về nghề làm nón, nghề đan lát, nghề làm gốm, làm chuồn chuồn tre... cũng có những hoạt động trải nghiệm thú vị. Một trong những gian sôi nổi nhất là gian hướng dẫn cách làm diều, vẽ tranh trên diều. Tại đây, các nghệ nhân của Trung tâm Bảo tồn Di sản Diều Việt Nam sẽ trực tiếp hướng dẫn các em thực hành. Chị Nguyễn Thị Hoa (phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Sau khi đưa con đến chơi, các con rất vui khi có sản phẩm đem về và mong muốn cuối tuần được đi đến chỗ nào rộng để thả diều". Chỉ một vòng quanh "Làng Sĩ tử", các em nhỏ đã có một cuộc "về nguồn" hết sức thú vị, có thêm nhiều hiểu biết về văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ngoài những hoạt động thường xuyên tại các gian hàng diễn ra liên tục từ nay đến hết ngày 20-8, vào dịp cuối tuần, Ban Tổ chức thiết kế những cuộc thi, hội chợ hay những buổi tọa đàm về các chủ đề liên quan đến đạo đức của người đi học, về những tấm gương vượt khó thành tài... Mỗi tối thứ sáu hằng tuần sẽ có Lễ hội Hoa chữ. Các bạn nhỏ sẽ được thả đèn hoa nến gắn chữ mà người thả viết và gửi các ước mơ về học tập thành tài và thi cử đỗ đạt. Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: Với chủ đề "Sĩ tử nhí", Ban Tổ chức chú trọng đến những nghề, những trò chơi giúp các em tìm hiểu về việc thi cử, trải nghiệm về sự học hành, sách vở của người xưa. Trong đó, có các cuộc thi, trò chơi để khuyến khích các em tìm hiểu về di sản, văn hóa cổ truyền như cuộc thi "Giấy dó của sĩ tử ngày nay", hay như trò chơi "Lều chõng", người tham dự có cơ hội thể hiện hiểu biết và tìm hiểu thêm về truyền thống khoa bảng, việc học hành, thi cử thời phong kiến. Chúng tôi mong muốn biến không gian hồ Văn thành một sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ trong dịp hè này.

Mùa nghỉ hè đôi khi là nỗi lo với các bậc phụ huynh khi trẻ thiếu chỗ vui chơi, nhưng với cách làm của Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các em nhỏ có thêm một địa chỉ học mà chơi, chơi mà học bổ ích. Việc đa dạng hóa cách giáo dục di sản như chương trình "Sĩ tử nhí - chắp cánh ước mơ" được nhiều chuyên gia đánh giá cao, như một cầu nối giúp thế hệ trẻ tìm về quá khứ. Những hoạt động này còn "đánh thức" không gian hồ Văn - nơi từng bị lãng quên trong một thời gian dài. Ðiều này thật sự có ý nghĩa khi Hà Nội đang thiếu những không gian văn hóa.