Trải nghiệm cuối tuần

Trở về ký ức xưa

Những ngày này, tiết trời Hà Nội có chút lạnh còn rơi rớt lại và không khí ấm nồng đang len lỏi đầu hè. Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây dường như trầm mặc hơn giữa khúc giao mùa, dù nó nằm giữa tuyến phố sôi động ở khu phố cổ Hà Nội.
Không gian ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây.
Không gian ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây.

Phố Mã Mây vốn nằm dọc theo bờ sông Hồng, trên bến dưới thuyền, là con phố buôn bán sầm uất của đất Kẻ chợ xưa kia. Cái tên Mã Mây có nguồn gốc từ việc chuyên doanh hàng hóa gắn với các phố nghề, cũng là đặc trưng của phố cổ Hà Nội. Trước đây, Mã Mây là hai phố, đoạn đầu là phố Hàng Mây chuyên bán đồ tre và song mây, đoạn gần phố Hàng Bạc bán hàng mã. Thời Pháp thuộc, Mã Mây còn có tên là phố Cờ Đen, nhiều thương gia nước ngoài buôn bán, định cư tại đây. Thời gian trôi qua, hồn xưa phố cũ chỉ đọng lại ở những ngôi nhà cổ nằm thâm trầm giữa tất bật của phố phường.

Ngôi nhà 87 phố Mã Mây là di sản hiếm của phố cổ Hà Nội khi giữ lại được gần như nguyên vẹn kiến trúc cũ. Cách bài trí được sắp đặt khéo léo gợi lại những nếp xưa, chuyện cũ của người Hà Nội gốc.

Ngôi nhà lợp mái ngói thâm nâu với kết cấu chủ yếu bằng gỗ đã nhuốm màu thời gian tạo nên sự gần gũi, thân thuộc. Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, nơi đây đã chứng kiến những thăng trầm của khu phố cổ, lưu giữ những ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội. Dù đã qua không ít lần đổi chủ, có thời điểm có nhiều hộ dân sống ở đây, nhưng vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian và nhu cầu cuộc sống hằng ngày, những người quản lý di sản khắc phục khó khăn, đưa ngôi nhà trở lại gần nhất với kiến trúc ban đầu.

Bước chân vào ngôi nhà, du khách ngỡ ngàng bởi thiết kế đậm dấu ấn truyền thống, mang phong cách thanh lịch, tinh tế và không kém phần sang trọng của người Hà Nội xưa. Gia chủ thời trước phải là người có kinh tế khá giả mới đủ khả năng xây dựng được cơ ngơi này. Nhà dạng hình ống, sâu hàng chục mét, các lớp nhà được ngăn cách bởi lớp sân trong đúng theo phong cách nhà truyền thống trong khu phố cổ. Lớp ngoài là cửa hàng, mặt đường không làm tường vách mà mở thông ra phố để bày hàng và làm nơi giao tiếp. Thay cho tường là hệ thống khung gỗ. Khi không mở cửa hàng thì dùng làm cửa, kiểu cửa lùa để đóng lại. Phía trong có giếng trời lấy ánh sáng, nước mưa làm nước sạch sinh hoạt. Tiếp đến là một gian nhà hậu, rồi đến kho hàng và bếp ăn. Các khoảng sân trong tạo độ thông thoáng và ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà. Trên tầng hai là phòng thờ và phòng ngủ. Giữa các lớp nhà có sân bày chậu cảnh tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên.

Để tạo sống động cho ngôi nhà, giúp du khách tìm hiểu thêm về cuộc sống của người Hà Nội xưa, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã sắp đặt không gian sinh hoạt với nhiều vật dụng thiết yếu trong cuộc sống. Đó là những bộ tràng kỷ gỗ, bộ bàn ghế khảm đá, trên bày ấm chén uống nước, những tủ sách, những chiếc quạt cổ dựng góc nhà. Phía trên là những câu đối, bức tranh cổ. Khu vực kho hàng, bếp nấu ăn là những chiếc chum đựng nước, chiếc quang treo đồ, chiếc xảo tre đặt trên chậu nhôm… Người xem cảm giác hơi thở cuộc sống xưa kia của người Hà Nội vẫn vương vấn. Dù công việc có bận rộn nhưng gia chủ vẫn dành ra những khoảng tĩnh để tạo sự hài hòa trong cuộc sống. Đó chính là phong cách sống mang tính đặc trưng của người dân Hà Nội vẫn lưu truyền đến ngày nay.

Từ khi hoàn thành cải tạo để bảo tồn, ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây trở thành điểm đến tham quan của du khách, nhất là khách nước ngoài. Mỗi ngày, di sản này đón khoảng 100 đến 200 khách. Nơi đây là địa điểm hiếm hoi còn lưu giữ nguyên vẹn giá trị văn hóa truyền thống về kiến trúc, văn hóa, lịch sử phố cổ Hà Nội.