Tôn vinh những cống hiến vì sự phát triển của Thủ đô

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội dành để tôn vinh những tập thể, cá nhân có những đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô. Năm nay, ngoài Giải thưởng Lớn dành cho nhạc sĩ Phú Quang, còn nhiều giải thưởng tôn vinh những tập thể, cá nhân khác có những hành động cụ thể, góp sức làm Thủ đô ngày càng giàu đẹp hơn.

Ban Tổ chức trao giải cho nhóm tác giả thực hiện Dự án nghệ thuật công cộng phường Phúc Tân.
Ban Tổ chức trao giải cho nhóm tác giả thực hiện Dự án nghệ thuật công cộng phường Phúc Tân.

Đầu năm 2020, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) ra mắt trong niềm vui của cả cộng đồng. Rất nhiều người đã bất ngờ khi biết rằng, khu  vực được chọn để thiết kế, triển khai xây dựng những công trình nghệ thuật ngoài trời vốn là một bãi rác ở ven sông Hồng, đã được chính quyền nhiều lần ra quân dọn dẹp, rồi lại tái diễn. Hàng loạt tác phẩm đã làm “sáng” lên cả khu vực vốn ít người biết đến này. Nhưng không ít hoài nghi vẫn đặt ra: Liệu bãi rác có “tái chiếm” không gian nghệ thuật hay không? Liệu người dân có chấp nhận những tác phẩm nghệ thuật đó không, nhất là khi nó lại được làm từ rác tái chế? Nhưng rồi, gần một năm trôi qua, những băn khoăn ấy cũng dần biến mất. Không gian nghệ thuật này đang trở thành một phần cuộc sống người dân nơi đây. Chuyên gia nghiên cứu về không gian sáng tạo Trương Uyên Ly cho biết, chị rất vui vì khi trở lại với Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, mọi thứ đã đổi thay theo hướng tốt lên. Người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan chung.

Những tác giả của Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân vừa được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ở hạng mục Việc làm. Ðó là một nhóm tác giả đặc biệt, gồm có chính quyền và những nghệ sĩ, kiến trúc sư. Cụ thể là UBND quận Hoàn Kiếm triển khai, Hội Kiến trúc sư Hà Nội và một nhóm nghệ sĩ thực hiện. Câu chuyện nghe thì đơn giản. Nhưng để người dân chấp nhận những tác phẩm nghệ thuật không phải chuyện dễ. Khi chuẩn bị triển khai dự án, các nghệ sĩ đã nhận được không ít ánh mắt ngờ vực. Nhóm nghệ sĩ, đứng đầu là họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã gặp gỡ, chia sẻ với đại diện hơn 100 hộ dân để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa; trong đó, chính những tác phẩm được thiết kế tại đây “kể” những câu chuyện về sông Hồng, về cuộc sống người dân. Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân mở ra một hướng mới trong “tái tạo” những không gian đô thị. Ðó là làm đẹp, dùng nghệ thuật để thúc đẩy ý thức người dân bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Năm 2020 là năm thứ 13 Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội được Báo Thể thao Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái tổ chức. Mỗi năm, lại có những câu chuyện mới, những việc làm mới, những con người mới, những bất ngờ mới. Cũng ở hạng mục Việc làm, dù không được xướng tên ở bục nhận giải, nhưng không ai không khâm phục hành động của nhóm “Nhân sĩ Hà Ðông” - tập hợp của một số nhà văn, họa sĩ, doanh nhân như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng... Nhận thức được giá trị của những đạo sắc phong thuở xưa, nhóm “Nhân sĩ Hà Ðông” đã tìm cách đưa những đạo sắc “lưu lạc” trở lại nơi nó vốn thuộc về. Ngoài nguồn sắc phong trong bộ sưu tập của tác giả Trịnh Hữu Sỹ, nhóm “Nhân sĩ Hà Ðông” cũng chủ động tìm kiếm và sưu tập những đạo sắc phong đang trôi nổi trên thị trường để trao trả sau này. Bằng uy tín của mình, họ kêu gọi cộng đồng chuyển sắc phong lại cho nhóm để trả về chính chủ. Nếu chủ sở hữu đã trót bỏ tiền ra để sở hữu, chủ nhân cũng có thể báo cho nhóm biết để tìm cách mua lại. Việc làm của nhóm đã khơi dậy ý thức của cộng đồng trong bảo vệ di sản. Nhiều người tặng lại nhóm để đưa những sắc phong “hồi hương”, hoặc bán lại với giá hữu nghị. Từ năm 2015 đến nay, nhóm đã tìm kiếm và dâng tặng lại khoảng 150 đạo sắc phong cho các địa phương. Riêng tại Hà Nội nhóm đã dâng tặng hơn 80 đạo sắc phong cổ cho các đình, đền... tại nhiều quận, huyện như Ðông Anh, Gia Lâm, Hoài Ðức, Ðan Phượng, Sơn Tây, Ứng Hòa... Có những người thấy hành động ý nghĩa của nhóm, đã tự mình tìm cách trả lại sắc phong cho di tích.

Nhiều người thừa nhận, để giành được Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ngày càng khó hơn. Hạng mục nào cũng nhiều ứng cử viên thuộc diện “nặng ký”. Thí dụ như ở hạng mục Tác phẩm, cuốn Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu (2019) của nhà văn Trung Sỹ (tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960) là cuốn sách đánh thức ký ức về thời chiến tranh và bao cấp trong hai thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, giúp những bạn đọc trẻ tuổi, biết được cha ông ta đã sống như thế nào trong thời kỳ ấy. Nhưng Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu không “vượt qua” được tác phẩm Phố Nhà Thờ của nhà văn trẻ người Xéc-bi-a Mác-cô Ni-cô-lích. Năm 2014, anh đến Hà Nội và lựa chọn Việt Nam là quê hương thứ hai. Hơn 300 trang sách kể về câu chuyện tình yêu của một chàng trai người Pháp, dưới góc nhìn hài hước và tinh quái, tác giả Mác-cô Ni-cô-lích đã tái hiện sinh động một Hà Nội rất đẹp, rất thơ nhưng cũng chứa đầy những góc khuất. Thông qua một câu chuyện tình yêu, Mác-cô Ni-cô-lích đã soi chiếu những va chạm đông - tây, biểu đạt “cái chất” Hà Nội riêng không ở đâu có - bầu không gian văn hóa đậm đặc với các yếu tố thắng cảnh, ẩm thực và con người. Những trang viết chỉ có thể thực hiện bởi một người am hiểu và yêu mến Hà Nội.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội tôn vinh những tập thể, cá nhân có những đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô. Và việc ngày càng khó đoạt giải thưởng hơn, là một tín hiệu mừng. Ðó là ngày càng có nhiều những con người, với những hành động cụ thể, đang góp sức làm Thủ đô giàu đẹp hơn.