Tìm giải pháp thu hồi nợ bảo hiểm xã hội

Hà Nội hiện là địa phương có số thu bảo hiểm xã hội (BHXH) lớn nhất cả nước, nhưng đồng thời cũng là đơn vị có số nợ lớn nhất. Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2019, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của Hà Nội đã tăng 1.105,1 tỷ đồng so với tháng 12-2018. Thực tế này đòi hỏi những giải pháp kịp thời, căn cơ để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Hà Nội nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ đọng BHXH. Ảnh: MINH HÀ
Hà Nội nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ đọng BHXH. Ảnh: MINH HÀ

Theo thống kê của BHXH thành phố Hà Nội, đến cuối tháng 4-2019, số thu BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn là 12.287,7 tỷ đồng, tăng 1.460,1 tỷ đồng so với năm 2018. Nhưng hiện vẫn còn 37.557 đơn vị nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN của 559.629 lao động với số tiền phải tính lãi là 1.084,9 tỷ đồng, tăng 1.105,1 tỷ đồng so với tháng 12-2018. Trong đó có tới 794 đơn vị nợ kéo dài hơn 24 tháng, số tiền nợ hơn 489 tỷ đồng. Như vậy, Hà Nội hiện là địa phương có số nợ BHXH dẫn đầu cả nước.

Nói về tình trạng nợ BHXH kéo dài, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều nguyên nhân. Công ty cổ phần (CP) Lilama 3 (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) hiện là doanh nghiệp có số nợ BHXH, BHYT, BHTN lớn nhất thành phố với hơn 33,1 tỷ đồng. Số nợ này đã kéo dài gần sáu năm nay. Tổng Giám đốc Công ty CP Lilama 3 Nguyễn Tiến Thành giải thích, số nợ của đơn vị phát sinh từ những năm 2011, khi tham gia vào một số dự án trọng điểm nhưng bị ngân sách nhà nước nợ 60 tỷ đồng chưa quyết toán được. Trong số hơn 33 tỷ đồng tiền nợ của đơn vị có tới gần 50% là tiền lãi. Hiện doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, từng bước khắc phục khó khăn và cam kết sẽ thanh toán nợ BHXH trong thời gian sớm nhất. Giống như Lilama 3, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản cũng gặp khó khăn trong thu hồi nợ, cho nên chậm bố trí nguồn chi trả BHXH như Công ty CP Khảo sát thiết kế công trình, Công ty CP Coma 18…

Những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp chậm đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động. Ðại diện Công ty May mặc xuất khẩu VIT Garment (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) giải thích, những tháng đầu năm là giai đoạn sản xuất thấp điểm của ngành may mặc, cho nên doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm. Do số tiền BHXH mỗi tháng đơn vị phải đóng lên tới hai tỷ đồng, cho nên chỉ cần chậm đóng là lãi tăng rất nhanh, khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Hiện số nợ BHXH của VIT Garment đã lên tới hơn 14 tỷ đồng, trong đó có tới 10 tỷ đồng là tiền lãi.

Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước khoanh lãi từng năm, không tính lãi chồng lãi các khoản nợ. Ðồng thời, cần hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ dần dần thay vì tính lãi cao để tạo áp lực liên tục lên doanh nghiệp. Ðồng thời, kiến nghị cơ quan BHXH khoanh nợ, giảm lãi suất nợ, xem xét chế độ hạch toán nợ.

Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Hòa thông tin, từ năm 2016, cách tính lãi nợ BHXH đã thay đổi, chỉ đưa số nợ năm trước sang năm sau để tính lãi, không còn tình trạng lãi chồng lãi. Hiện cách tính BHXH đều thực hiện theo quy định của Nhà nước, cơ quan BHXH không thể tự quyết định. Khi người lao động xin chốt sổ nghỉ việc sẽ ưu tiên đóng số thực trước, số lãi sau.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thành phố sẽ tập hợp tất cả các kiến nghị của doanh nghiệp để có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền xem xét, phối hợp giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thanh toán BHXH, BHYT, BHTN cho doanh nghiệp. Trước mắt, BHXH các quận, huyện, thị xã phải rà soát lại từng doanh nghiệp, phối hợp xây dựng lộ trình, kế hoạch trả nợ. Các địa phương, sở, ban, ngành cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là phải giải quyết dứt điểm các khoản nợ công trình vốn nhà nước cho doanh nghiệp còn bị nợ trong thời gian sớm nhất.

Ðồng chí Ngô Văn Quý cũng nhấn mạnh, bản thân các doanh nghiệp dù đang gặp khó khăn cũng vẫn cần cân đối, ưu tiên nguồn kinh phí dành cho các khoản đóng bảo hiểm cho người lao động, có lộ trình, kế hoạch cụ thể để thanh toán nợ trong năm 2019, hạn chế đến mức thấp nhất các khoản nợ mới phát sinh. Với các doanh nghiệp cố tình chậm đóng, thành phố sẽ đề nghị cơ quan công an xem xét, can thiệp kịp thời để bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng.

Mong rằng, với sự hợp tác của cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trong giải quyết tốt các chế độ, chính sách, các quyền lợi của người lao động được bảo đảm, để họ yên tâm công tác, ổn định cuộc sống và gắn bó với doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.