Tiếp sức cho sản phẩm công nghiệp chủ lực

Sau gần ba năm triển khai Ðề án "Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025", những sản phẩm được công nhận ngày càng phát huy vai trò, thúc đẩy công nghiệp Thủ đô tăng trưởng. Nhưng để thật sự tạo sự đột phá trong giai đoạn tới, chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp cần có những bước đi táo bạo, mạnh mẽ hơn để nhóm sản phẩm này thể hiện được vai trò "chủ lực" của mình.

Dây chuyền sản xuất thẻ của MK Smart tại Khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: Thái Linh
Dây chuyền sản xuất thẻ của MK Smart tại Khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: Thái Linh

Hiện nay, những chiếc thẻ điện tử ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như dữ liệu công dân, viễn thông, ngân hàng, giao thông, thẻ thành viên, khách hàng... đã trở thành món đồ quen thuộc, cần thiết của mọi người. Nhưng để đáp ứng các yêu cầu về bảo mật, an ninh, an toàn mạng và làm chủ ứng dụng, công nghệ trong sản xuất thẻ thì không phải đơn vị nào cũng đủ năng lực. Năm 2019, sản phẩm thẻ EMV và thẻ xuất khẩu sang Nhật Bản của Công ty MK Smart (trụ sở tại huyện Mê Linh, Hà Nội) đã được TP Hà Nội công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó, sản phẩm thẻ xuất khẩu sang Nhật Bản nằm trong tốp 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Sản phẩm thẻ của MK Smart chỉ là một trong số 91 sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội đã được công nhận qua các năm 2018, 2019. Bên cạnh đó, còn có nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào thị trường trong nước và quốc tế khác, như nhóm sản phẩm Modem quang GPON ONT phục vụ kết nối in-tơ-nét cáp quang tốc độ cao của Công ty cổ phẩn Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology); ống thép inox Sơn Hà của Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, quạt và hệ thống thông gió công nghiệp của Công ty cổ phần TOMECO An Khang; linh kiện cơ khí chính xác của Công ty cổ phần Công nghiệp JK Việt Nam…

Sở Công thương Hà Nội cho biết, triển khai Ðề án "Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025", năm nay, thành phố đang đánh giá hồ sơ để xét chọn 30 sản phẩm trong tổng số 48 sản phẩm đăng ký tham gia. Dự kiến, qua ba năm triển khai đề án, Hà Nội sẽ công nhận được 121 sản phẩm công nghiệp chủ lực (bằng 150% chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội ước đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt một tỷ USD. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Ðàm Tiến Thắng đánh giá, đây là những sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức mạnh, khả năng lan tỏa và đóng góp lớn cho nền kinh tế Thủ đô. Các doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực cũng là những doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp Hà Nội với doanh thu lên tới nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Tổng Giám đốc Tập đoàn POLYCO Ðinh Văn Thành chia sẻ, để đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội, các doanh nghiệp phải vượt qua hàng loạt tiêu chí đánh giá như tốc độ tăng trưởng, quy mô sản xuất, năng suất lao động, kim ngạch xuất khẩu, chất lượng, nộp ngân sách nhà nước, ứng dụng công nghệ quản lý điều hành, nghiên cứu phát triển sản phẩm… Nhưng khi được công nhận rồi sẽ được tham gia và thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ của thành phố như: Xúc tiến đầu tư, thương mại; nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch hơn… Cục Hải quan TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các chi cục trực thuộc hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho tất cả doanh nghiệp tham gia Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực trong quá trình làm thủ tục hải quan tại Cục. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro, chủ động hội nhập quốc tế...

Tuy nhiên, qua ba năm triển khai, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, có tiềm năng, thế mạnh, khả năng cạnh tranh cao, đóng góp lớn vào nền kinh tế Thủ đô, nhưng chưa hưởng ứng tham gia chương trình này. Nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia xét chọn đối với những sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm đang tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do những cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đủ sức thu hút doanh nghiệp lớn tham gia.

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhấn mạnh, Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm và có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhằm thúc đẩy công nghiệp xứng tầm với vai trò, vị trí trung tâm, đầu tàu của Thủ đô Hà Nội. Do đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng cao; hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhất là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất; khai thác và tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại đã có hiệu lực như CPTPP, EVFTA… Thành phố đặt mục tiêu có thêm từ 100 đến 120 doanh nghiệp với khoảng từ 150 đến 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025. Hằng năm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp từ 40 đến 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố, đóng góp từ 20 đến 22% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, dẫn dắt và thúc đẩy các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực phát triển.