Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn

Kinh tế Thủ đô trong vài tháng gần đây đã có những chuyển biến tích cực, nhưng gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp một lần nữa chao đảo bởi "sóng Covid". TP Hà Nội đã ban hành chương trình hành động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này.

Vận hành dây chuyền sản xuất các sản phẩm điện thoại tại Nhà máy Vinsmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Minh Hà
Vận hành dây chuyền sản xuất các sản phẩm điện thoại tại Nhà máy Vinsmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Minh Hà

Làn sóng Covid-19 lần thứ hai đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ, thương mại trên các tuyến phố lớn phải đóng cửa, dỡ biển hiệu, thông báo cho thuê cửa hàng. Chỉ riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có gần 400 doanh nghiệp và hơn 1.100 hộ kinh doanh dịch vụ dừng hoạt động. Các làng nghề ở khu vực ngoại thành cũng không còn rộn ràng không khí sản xuất như trước. Làng nghề điêu khắc Dư Dụ, xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) có hơn 300 hộ làm nghề điêu khắc tượng, đồ mỹ nghệ, chủ yếu phục vụ xuất khẩu, thì thời gian này, khối lượng hàng hóa sản xuất giảm tới 60, 70% so với năm ngoái. Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết, những tháng đầu năm 2020, các làng nghề vẫn còn các đơn hàng từ cuối năm 2019, hàng hóa vẫn xuất sang thị trường các nước châu Âu và ASEAN. Nhưng bây giờ dịch lan rộng khắp thế giới, các cơ sở hầu như không có đơn hàng mới, phần lớn các nhà xuất khẩu đều yêu cầu hủy hoặc lùi thời hạn.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tình hình kinh tế tháng 6, tháng 7 đã có những chuyển biến tích cực, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cho nên một số ngành, lĩnh vực như du lịch, khách sạn, xuất nhập khẩu... tiếp tục bị ảnh hưởng lớn. Bảy tháng đầu năm 2020, doanh thu từ khối khách sạn, nhà hàng giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành chỉ đạt 4.100 nghìn tỷ đồng, giảm 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội giảm tới 72,2%, khách trong nước giảm 75% so với cùng kỳ năm 2019... Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bảy tháng ước đạt 8,3 tỷ USD, giảm tới 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình này, TP Hà Nội đã ban hành chương trình hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu các đơn vị quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác cho thành phố. Tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và vốn năm 2019 chuyển sang.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố bảy tháng đầu năm ước thực hiện được 22,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 48,6% kế hoạch vốn năm 2020. Nhiều dự án trọng điểm đang được thành phố gấp rút đẩy nhanh tiến độ như: Xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên; xây dựng đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Ðàm; xây dựng hoàn chỉnh đường vành đai 3 kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Ðáng lưu ý, dự án đường vành đai 3 trên cao, đoạn từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long (dài 5,5 km), thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, sau gần hai năm thi công đang phấn đấu hoàn thành trong tháng 9-2020. Dự án đường vành đai 2 trên cao, đoạn  từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng cũng hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2-9, toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Sở đang tiếp tục theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch giải ngân của các đơn vị, đồng thời tham mưu để điều chỉnh vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ khác cũng đang được các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai quyết liệt, phần nào giúp doanh nghiệp vơi bớt khó khăn. Từ ngày 6-8-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quyết định giảm các loại lãi suất điều hành (mức giảm 0,2 đến 0,5%/năm). Ðây là lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm lãi suất điều hành kể từ khi xảy ra dịch Covid-19, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn; triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định và xem xét cho vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Khối vận hành Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng vàng (Golden Gate) Hoàng Quốc Khánh cho biết, việc ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ gần 200 tỷ đồng đã giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động cho hệ thống hơn 300 nhà hàng, bảo đảm việc làm cho 15 nghìn nhân viên. Ðến hết tháng 7-2020, Tổng công ty Ðiện lực TP Hà Nội đã hỗ trợ miễn, giảm 900 tỷ đồng tiền điện cho hơn 2,4 triệu khách hàng trên địa bàn...

Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã hướng dẫn an toàn cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch tốt vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn phù hợp các biện pháp phòng, chống dịch theo từng giai đoạn. Thành phố sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.