Thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

Sau ba năm thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020", bằng nhiều giải pháp cụ thể, Hà Nội đã đạt được chuyển biến tích cực, thu ngân sách tăng cao. Tuy nhiên, để kết quả này thật sự bền vững, đòi hỏi các cấp, ngành của thành phố phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: CÔNG HÙNG
Giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: CÔNG HÙNG

Triển khai nhiều giải pháp cụ thể

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, qua ba năm thực hiện Chương trình số 03, kinh tế trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 9%/năm. Hiện, quận đã có khoảng 10.500 doanh nghiệp tư nhân, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015; có 12.500 hộ kinh doanh cá thể, tăng gấp 1,2 lần so với năm 2015. Đáng chú ý, số hộ kinh doanh cá thể chuyển sang loại hình doanh nghiệp rất lớn, điển hình như trong năm 2017 có tới hơn 1.000 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Để có kết quả nêu trên, quận đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Hằng năm, lãnh đạo quận tổ chức hai cuộc đối thoại với giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt tình hình, trực tiếp giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội... Chi cục Thuế quận bố trí riêng bộ phận hỗ trợ, kê khai thuế điện tử giúp minh bạch, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Nhờ đó, đến nay đã có hơn 95% số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử. Theo đó, đã góp phần thúc đẩy kinh tế của quận phát triển nhanh, tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2018 đạt hơn 15,7 nghìn tỷ đồng.

Cùng với các quận, huyện, các sở, ngành của thành phố cũng vào cuộc tích cực để cụ thể hóa Chương trình 03. Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc cấp mã số doanh nghiệp tự động cho các doanh nghiệp thành lập mới; triển khai biên lai điện tử tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; thực hiện đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đề án quản lý bán hàng qua mạng. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính, trong đó có 30 thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai; cắt giảm thời gian thực hiện từ 30% đến 50% theo quy định. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, Sở đang triển khai thực hiện triệt để việc luân chuyển hồ sơ (một bộ hồ sơ) ở tất cả các khâu, các bước trong Sở khi thực hiện; phân công trách nhiệm cụ thể với từng cán bộ từ khâu thụ lý hồ sơ đến khi có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất...

Kết quả đơn giản hóa thủ tục hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn; tăng tỷ lệ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vốn là vấn đề rất khó khăn trước đây. Tính trong ba năm 2016 - 2018, Sở đã tham mưu với UBND thành phố ban hành quyết định giao đất cho các tổ chức thuê đất để sản xuất, kinh doanh trên địa bàn với tổng diện tích 787,36 ha. Nguồn thu từ đất hằng năm chiếm từ 15 đến 18% tổng thu ngân sách của thành phố.

Tập trung vào những chỉ tiêu chưa đạt

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải, với nhiều giải pháp hiệu quả như vậy, cho nên trong bối cảnh chỉ tiêu thu ngân sách T.Ư giao cho thành phố tăng, song tổng thu ngân sách Hà Nội luôn hoàn thành kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 tăng 5,3%, năm 2017 tăng 3,8%, năm 2018 tăng 2,5%). Tỷ trọng thu nội địa cũng tăng từ 89,5% tổng thu ngân sách nhà nước (năm 2016) lên 91,6% (năm 2018). Thành phố cũng giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong phân bổ ngân sách từ 55,5% năm 2016 xuống còn 50,8% năm 2018. Thông qua đó, trong ba năm từ 2016 đến 2018, Hà Nội đã tiết giảm chi thường xuyên 9.216 tỷ đồng để dành nguồn bố trí cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Sở Tài chính cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình số 03. Đó là tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm so kế hoạch đã đề ra; công tác quản lý tài sản công đã được tích cực triển khai thực hiện, nhưng việc huy động các nguồn vốn từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu nhà nước vào đầu tư phát triển chưa đáp ứng so yêu cầu thực tế.

Tại đợt kiểm tra việc thực hiện Chương trình số 03 tại một số cơ quan, đơn vị vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, các cấp, ngành cần hướng tới những mục tiêu mang tính bền vững; tiếp tục lựa chọn các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, đề ra giải pháp mạnh để thực hiện nhằm tạo chuyển biến rõ nét. Từ thành phố đến cơ sở cần đổi mới hơn nữa việc nắm bắt tình hình doanh nghiệp, nâng cao chất lượng quản lý, tháo gỡ kịp thời những vấn đề phát sinh để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát lại kế hoạch, trong đó cần tập trung nguồn lực thực hiện những chỉ tiêu khó hoặc chưa đạt; đồng thời tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt được để thúc đẩy kinh tế trên địa bàn phát triển nhanh, bền vững hơn.