Thiếu làn đường riêng, xe buýt ngày càng bị lép vế

Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã thông qua mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, cùng các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025.

Trong đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đáp ứng từ 30% đến 35% nhu cầu đi lại của người dân. Ðể hoàn thành chỉ tiêu này, ngày 16-10-2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Hùng đã ký, ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND phát triển phương tiện VTHKCC trên địa bàn thành phố, giai đoạn từ năm 2021 đến 2030. Kế hoạch nêu các giải pháp cụ thể để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC. Trong giải pháp đầu tư, khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thành phố đề ra kế hoạch giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, nghiên cứu để tổ chức năm làn đường ưu tiên xe buýt với tổng chiều dài là 22,6 km. Giai đoạn từ 2026 đến 2030, tiếp tục tổ chức năm làn đường ưu tiên cho xe buýt với tổng chiều dài 82,3 km.

Cho đến nay, hệ thống xe buýt Hà Nội có 126 tuyến với hơn 2.000 phương tiện. Ðồng thời với việc mở các tuyến buýt mới, đầu tư đổi mới phương tiện, các đơn vị từng bước nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Tuy nhiên, số lượng hành khách sử dụng xe buýt để đi lại thường xuyên vẫn chưa nhiều, hệ thống xe buýt mới chỉ đáp ứng được 8,7% nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn. Vai trò của xe buýt đang bị "lép vế" trước sự phát triển của ô-tô con và xe máy.

Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho biết: Hạ tầng giao thông nói chung, hạ tầng cho xe buýt nói riêng còn hạn chế. Năm 2004, tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Ðông) được tổ chức làn đường riêng cho xe buýt, tạo điều kiện cho xe buýt và các phương tiện lưu thông an toàn trên trục giao thông cửa ngõ của Thủ đô. Ðến năm 2014, hơn 1,3 km đường Yên Phụ cũng được tổ chức thành làn đường riêng cho xe buýt. Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn đoạn trên đường Yên Phụ vẫn giữ được chức năng này, còn làn đường dành riêng cho xe buýt trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú đã bị "xóa sổ" từ khi thi công tuyến đường sắt đô thị (ÐSÐT) trên cao Cát Linh - Hà Ðông. Hai năm nay, mặc dù việc thi công dự án đường sắt trên cao đã hoàn thành, nhưng làn đường riêng vẫn không được hoàn trả, khiến hiệu quả khai thác của xe buýt bị hạn chế. Tháng 9-2019, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng từ 20 đến 25% vào năm 2020, trong đó đặt ra nhiệm vụ tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên bốn tuyến đường xuyên tâm như: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Ðông), Pháp Vân - Giải Phóng - Ðại Cồ Việt, Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự, Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Ðàm... Tuy nhiên, kế hoạch này cho đến nay chưa được thực hiện.

So với việc xây dựng các tuyến ÐSÐT trên cao và tàu điện ngầm, việc tổ chức làn đường riêng cho xe buýt tại các tuyến đường có đủ điều kiện có chi phí thấp hơn rất nhiều. Dự kiến, trong quý I-2021, thành phố đưa vào hoạt động tuyến ÐSÐT Cát Linh - Hà Ðông, hệ thống xe buýt càng cần được tổ chức tốt hơn, để phối hợp nhịp nhàng với hệ thống tàu điện trên cao giải tỏa nhanh hành khách tại các nhà ga ÐSÐT, trong đó việc tổ chức làn đường riêng cho xe buýt có thể làm được ngay, tạo điều kiện cho các phương tiện VTHKCC phát huy hiệu quả đầu tư. Nếu không, mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thủ đô sẽ khó có thể thành hiện thực.

Việt Anh