Thành phố sáng tạo - thương hiệu mới của Thủ đô (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Tạo cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa

Phố sách Hà Nội mở ra đã trở thành không gian văn hóa, truyền bá tri thức ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: MINH HÀ
Phố sách Hà Nội mở ra đã trở thành không gian văn hóa, truyền bá tri thức ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: MINH HÀ

Với những tiềm năng sẵn có cùng nguồn nhân lực trẻ, tài năng, nhiệt huyết và hệ thống chính sách linh hoạt, hiệu quả, hiện nay Thủ đô Hà Nội đã sở hữu đủ các tiêu chí của một Thành phố sáng tạo. Tuy nhiên, để có thể kết nối bình đẳng với các trung tâm sáng tạo khác trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO và tận dụng được những hiệu ứng tích cực từ hệ thống này mang lại, cần phải làm nhiều việc trong đó, việc tạo cơ chế, chính sách phát triển đóng vai trò rất quan trọng.

Khuyến khích đầu tư công nghiệp sáng tạo

Dù đã nhận diện và triển khai hiệu quả nhiều chương trình, phương thức khai thác các nguồn lực văn hóa có giá trị độc đáo của mảnh đất ngàn năm văn hiến, nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế là: Hà Nội mới bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp văn hóa đầy triển vọng. Tháng 5-2017, với việc ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm “phát triển ngành công nghiệp văn hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô”, Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước về phát triển lĩnh vực này. Vậy nhưng, hơn hai năm trôi qua, việc hiện thực hóa kế hoạch, nhất là những nội dung liên quan công tác xây dựng, hình thành hệ thống chính sách hỗ trợ các trung tâm sáng tạo và các hoạt động sáng tạo… vẫn còn những hạn chế nhất định.

Một trong bốn vấn đề then chốt đối với sự phát triển của văn hóa Thủ đô tầm nhìn đến năm 2030 được Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh là: “Một chính sách khuyến khích đầu tư cho các nền tảng công nghệ công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo là vô cùng cần thiết. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án làm đẹp thành phố bằng nghệ thuật và văn hóa. Trong đó, điều mà chính quyền thành phố có thể làm ngay là xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cho công nghiệp sáng tạo, như in ấn, công nghệ quảng cáo, công nghệ trí tuệ nhân tạo…”. Thực tế ở các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển cho thấy: Ở vào giai đoạn đầu của hành trình xây dựng công nghiệp văn hóa, hệ thống chính sách mang tính chất bệ đỡ, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp và sáng tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động lớn đến sự thành công hay thất bại của các không gian sáng tạo. Thời gian gần đây, số lượng các không gian sáng tạo tại Hà Nội phát triển rất nhanh, nhưng, nhiều không gian sáng tạo đối diện nguy cơ biến mất chỉ trong vòng… một năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các không gian sáng tạo vẫn được coi là doanh nghiệp, bị đối xử như những doanh nghiệp kinh doanh thuần túy, trong khi, các không gian sáng tạo vốn là nơi thử nghiệm các ý tưởng, hướng đến các mục tiêu giải trí và mục đích xã hội, cho nên khả năng sinh lời rất thấp. Việc không xác định được địa vị pháp lý phù hợp dẫn đến tình trạng thiếu chính sách thuận lợi cho các mô hình đó.

Hà Nội lựa chọn phát triển lĩnh vực thiết kế sáng tạo làm mũi nhọn trọng tâm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn đang diễn ra khá tràn lan, nhất là nạn đánh cắp mẫu mã sản phẩm, thiết kế ở khu vực làng nghề. Nếu không quyết liệt xử lý thì tình trạng này không chỉ làm nản lòng những người hoạt động sáng tạo, mà điều đó còn làm cho hình ảnh của Thành phố sáng tạo bị ảnh hưởng, hạn chế sự tương tác, kết nối và kéo theo nhiều hệ lụy. Xây dựng chính sách về đất đai ưu tiên cho các hoạt động sáng tạo, văn hóa cũng là một gợi ý rất đáng lưu tâm từ phía các chuyên gia văn hóa. Thành phố có thể đề ra những quy định về việc nhường đất ở các khu vực kinh tế kém phát triển, hoặc đang gặp nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường, dành chỗ cho các dự án sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền để triển khai. Nhiều khu vực tưởng như mất giá trị đã trở nên đông đúc, nhộn nhịp nhờ những phương thức chuyển đổi như vậy, ở những quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, cần “lập bản đồ” các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa, xác định các chỉ số thống kê của các ngành, từ đó mới có biện pháp để xử lý những bất cập, hay hoạch định chính sách phát triển. Hiện tại, mới chỉ có một số lĩnh vực xây dựng được bộ chỉ số thống kê, còn lại, đều là ước đoán. Để tạo phát triển đột phá, một số chuyên gia đề xuất, Hà Nội có thể tham khảo mô hình thành công của Hàn Quốc, với một cơ quan đầu mối chuyên về công nghiệp văn hóa. Đây sẽ là “tổng đạo diễn”, có khả năng bao quát, kết nối và điều phối những vấn đề, nguồn lực liên quan, phục vụ cho mục tiêu chính yếu nhất là phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo văn hóa.

Khơi dậy tiềm năng từ cộng đồng

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã làm thay đổi suy nghĩ của số đông người dân trong xã hội về vai trò của văn hóa, các sản phẩm văn hóa trong sự vận động, phát triển của đời sống xã hội hiện đại. Sự nở rộ của các không gian sáng tạo, hay nỗ lực khai thác các giá trị truyền thống phục vụ cho nhu cầu của đời sống hôm nay… chính là những biểu hiện rõ nét nhất của sự thay đổi trong nhận thức của người dân Thủ đô.

Để khai thác, phát triển nguồn lực văn hóa hiệu quả, phải thật sự tôn trọng văn hóa, tôn trọng sinh kế của người dân. Vì chính họ là người tạo ra văn hóa, tạo ra bản sắc. Phải làm cho những nghệ nhân làng nghề, những người trẻ tài năng, đam mê sáng tạo cảm thấy yêu mến công việc của mình, yêu mến quê hương, và tạo ra của cải từ những sáng tạo, đó mới là sự phát triển bền vững.

Những năm gần đây, trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa - sáng tạo văn hóa ở Hà Nội, đang diễn ra một thực tế là sự chuyển động của thực tiễn có phần nhanh và sinh động hơn chính sách. Cộng hưởng với năng lực kết nối toàn cầu của thế hệ những người trẻ hôm nay, ngành công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo Thủ đô được dự báo sẽ ngày càng sôi động và phát triển, trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội.

20 năm qua, Hà Nội đã gìn giữ, phát huy các giá trị của danh hiệu Thành phố vì hòa bình, tạo nên sức hấp dẫn riêng có của Thủ đô. Bước vào những năm cuối của thập niên 2010, những chuyển động thực tế cho thấy Hà Nội đã sở hữu đủ các tiêu chí của một Thành phố sáng tạo. Việc Hà Nội xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo là một hướng đi đúng, để tạo dựng một thương hiệu mới, sức hấp dẫn mới; phù hợp với xu thế của thời đại khi kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa, vận dụng văn hóa tạo nên sức mạnh mềm là hướng đi chủ đạo.

Mặc dù vậy, việc ứng cử vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo, mới là sự khởi đầu. Hà Nội cần đầu tư cả về chính sách lẫn nguồn lực để xây dựng Thành phố sáng tạo, tạo điều kiện để công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo phát triển, tạo điều kiện để cộng đồng phát huy khả năng sáng tạo phong phú và đa dạng của mình và đem lại những thành quả thiết thực từ sáng tạo. Khi đó, danh hiệu Thành phố sáng tạo mới trở thành một thương hiệu mạnh, không chỉ giúp Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thu hút khách du lịch, mà còn hướng tới việc xuất khẩu sản phẩm văn hóa.

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 6-8-2019.