Thành công từ mô hình kinh doanh thực phẩm sạch

Mong muốn tạo kênh phân phối nhằm đưa thực phẩm an toàn của địa phương tới đông đảo người tiêu dùng, Đoàn thanh niên phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã xây dựng dự án phát triển kinh doanh thực phẩm sạch sản xuất tại địa phương.

Đoàn viên, thanh niên phường Thượng Cát giới thiệu sản phẩm sạch tại Hội nghị kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm năm 2018.
Đoàn viên, thanh niên phường Thượng Cát giới thiệu sản phẩm sạch tại Hội nghị kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm năm 2018.

Phường Thượng Cát hiện có bảy hộ sản xuất, 28 hộ phân phối sản phẩm giá đỗ, 12 hộ sản xuất giò, chả truyền thống, 11 hộ sản xuất đậu phụ... Trong đó, nhiều mặt hàng được ký hợp đồng đưa vào một số bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, lượng hàng bán ra còn hạn chế, nhiều sản phẩm có chất lượng cao nhưng không được nhiều khách hàng biết đến, mà chỉ tiêu thụ được ở địa phương.

Mong muốn giúp các hộ dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, Đoàn thanh niên phường đã kêu gọi đoàn viên, thanh niên tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương ra các quận khác. Để hiện thực hóa ý tưởng, nhóm dự án khởi nghiệp sáng tạo của Đoàn phường đã được thành lập gồm sáu thành viên là các cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu từ 18 đến 35 tuổi. Nhiệm vụ chính là quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho nhiều người ở các vùng miền xa hơn được biết và sử dụng sản phẩm tại địa phương. Bí thư Đoàn phường Thượng Cát Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Khi có ý tưởng, chúng tôi được trình bày với các đồng chí lãnh đạo quận và phường tại diễn đàn về khởi nghiệp do quận tổ chức. Thấy ý tưởng có tính khả thi cao, lãnh đạo phường, quận đã hỗ trợ kết nối với các đơn vị, định hướng cách thức tổ chức. Trong một tháng dự án đã hoàn thiện và đi vào thực tế”.

Sau khi khảo sát thực trạng sản xuất tại địa phương, đánh giá tiềm năng phát triển, nhóm dự án quyết định lựa chọn sản phẩm giá đỗ sạch và giò sạch làm sản phẩm thử nghiệm. Nhóm đã tổ chức bán hàng, triển khai, tiếp thị quảng bá sản phẩm đến bếp ăn tập thể của nhà hàng, trường học trong quận. Đồng thời mời các tổ chức, trường học, doanh nghiệp tham gia hội chợ và trực tiếp tham quan cơ sở sản xuất.

Việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất luôn được nhóm đặt lên hàng đầu. Nhóm dự án thường xuyên tổ chức các buổi cập nhật kiến thức, chia sẻ tài liệu để nâng cao hiểu biết về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cho các thành viên; tổ chức hướng dẫn từng hộ kinh doanh cải tiến điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị, công cụ sử dụng phụ gia, hóa chất. Định kỳ hằng tuần, nhóm đến các hộ kinh doanh để kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; căn cứ kết quả kiểm tra sẽ hướng dẫn, trao đổi với các hộ dân cải tiến quy trình và điều kiện sản xuất để nâng cao năng suất, cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau ba tháng nỗ lực, nhóm đã có những đơn hàng đầu tiên. Các sản phẩm được mở rộng sau đó với giá đỗ tương, hạt sen quê, đậu phụ, chuối…

Để có nguồn vốn hoạt động, nhóm đã vận động các cá nhân, hộ kinh doanh có vốn nhàn rỗi đầu tư sản xuất.

Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm vay vốn từ các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội quận với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các hộ kinh doanh.

Với dự án này, tổ chức Đoàn đã đóng vai trò là đơn vị kết nối sản phẩm, đem lại nguồn lợi lâu dài cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo môi trường lành mạnh, sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể của đoàn viên, thanh niên phường trong hoạt động khởi nghiệp và phát triển kinh tế.

Để thúc đẩy chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ từ các cấp bộ Đoàn, mỗi đoàn viên, thanh niên cần chủ động, sáng tạo xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương.