Hà Nội một góc nhìn

Thẳm sâu giếng nước

Ngày xưa, không có nước máy, gia đình nào cũng đựng nước vào bể, chum, hay đào giếng khơi. Người dân thành phố giờ đây không dùng nước giếng khơi nữa, ở nông thôn cũng phổ biến là dùng giếng khoan cho đỡ mất diện tích. Rồi sẽ đến lúc nhớ hoài giếng khơi xưa, mà chẳng thể tìm thấy nữa.
Giếng làng Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ. Ảnh: TRUNG HIẾU
Giếng làng Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ. Ảnh: TRUNG HIẾU

Giếng khơi thường sâu từ 6 đến 10 m. Mạch nước là mạch ngầm chắt ra từ lòng đất, khơi trong, mát lạnh vào mùa hè. Ngày xưa, khi giếng khơi còn chưa phổ biến, người ta đào giếng xóm, giếng làng ở đầu xóm hay đầu làng để dùng chung. Thành ra có cảnh những cô gái ra múc nước gội đầu, giặt giũ, rồi đua nhau gánh nước về dùng, nụ cười trắng lấp lóa, vang dội, vui mừng khôn xiết. Đêm trăng thanh, trăng lọt vào giếng khơi, lóng lánh. Trai gái tụ tập đầu đình trông trăng, có đôi rủ nhau ra đầu giếng, tự tình riêng tư, ý tứ. Chàng trai ngỏ ý ngày mai gánh nước để cô gái rửa chân.

Khi chưa có thùng tôn để múc nước, người ta dùng gầu đan bằng tre nứa, bằng thùng cao-su, những loại vừa nhỏ, đựng được vài lít nước. Có nhà dùng mo cau rụng góc vườn làm gầu. Dây gầu thường bện bằng thừng đay, có xóm dùng nhiều, cần phải múc nhanh, người ta mắc ròng rọc để kéo nước lên cho đỡ mệt. Cuộc sống cứ hiện đại dần, người ta có cách “xử lý” khoa học để kéo nước lên tưới cho rau cỏ, vườn tược.

Xưa làng tôi có giếng xóm. Sân giếng rộng, lát gạch Bát Tràng. Có chàng trai làng bên muốn lấy con gái làng nên sắm thêm hai trăm viên gạch để lát sân cho rộng rãi. Gần giếng thường trồng cây cau. Cây cau với giàn trầu ngay cạnh cho vẹn cổ tích xưa keo sơn gắn bó. Rồi cây bưởi, mùa đến, hoa bưởi ngào ngạt. Gội đầu bằng hoa bưởi thơm qua đêm trăng, thơm mãi hôm sau. Giếng khơi ở góc vườn nhà tôi bây giờ được che bởi những tán lá xanh um. Giếng còn nhiều hơn tuổi cha tôi, do bàn tay ông bà làm nên. Nó còn mãi đến ngày hôm nay, tuy đã trải qua nhiều lần nạo vét, nhưng nước mùa nào cũng trong vắt. Không ai nỡ phá, bởi nó gắn bó bằng nhiều kỷ niệm, chứng kiến những thịnh suy của cả gia đình, như nguồn sữa chảy mãi không thôi. Mẹ tôi từ ngày về làm dâu đến nay đã gần nửa thế kỷ, ngày nào cũng bên giếng. Mẹ yêu giếng vô ngần, nó đâu chỉ là cái giếng vô tri vô giác. Mẹ nói giếng biết buồn. Bà nội ngày xưa cũng kể chuyện về cái giếng, chung quanh giếng còn có cả cổ tích hiện lên, huyền thoại trở về. Còn có bài học của ông nội dành cho cha, lời dạy của ông còn được giảng cho con cháu, cho lũ nhóc chúng tôi chẳng bao giờ cũ kỹ.

Tình yêu của cha mẹ còn có giếng làm chứng. Giếng cùng mẹ tiễn cha lên đường nhập ngũ. Giếng là nơi mẹ múc nước cho cha rửa chân, nơi cha giúp mẹ gội đầu. Nơi chị gái tôi gội thời xuân sắc, để rồi đi lấy chồng, với nước da trắng ngần thơm tho hoa bưởi. Để rồi, mỗi lần về, lại ngơ ngẩn ra giếng, như còn muốn kéo dài thời con gái.

Tuổi thơ tôi khỏa khuây với nước giếng khơi quê nhà, uống khi khát hằng ngày, ăn cơm mẹ nấu bằng nước giếng. Sau đó, đi xa. Thành phố chỉ có nước máy và giếng khoan. Giếng gắn bó với bao ước mơ trẻ dại, nơi góc vườn tôi và con nhóc hàng xóm chơi trò vợ chồng, rồi hai đứa lớn lên. Tôi đi học, cô gái lấy chồng, an phận một đời, tôi vùng vẫy nơi xa. Mà sao nhớ giếng, nhớ mẹ, nhớ quê vùng ngoại thành ven sông Nhuệ, nhớ màu lóng lánh trăng rơi trong giếng. Nhớ vị nước trà pha đậm đặc đêm khuya.

Cũng sẽ có lúc người ta chẳng còn biết giếng khơi là gì, hình thù nó như thế nào. Nhưng tôi biết, giếng cũng biết buồn, nó là hồn cốt của vùng quê, cũng ngấm vào mình biết bao cay đắng, ngọt bùi qua thời gian. Nó là một người bạn trung thành trong cuộc sống hằng ngày. Giờ mỗi lần về quê, tôi lại được ngồi bên sân giếng, rửa lá dong, gói bánh chưng đón xuân với gia đình. Đêm đến, tôi ra ngoài thành giếng, nhớ lời dạy của ông năm xưa về đức tính khiêm nhường và bao dung. Con người có thể đi xa, nhưng quên đi quá khứ, xua đuổi những điều giản dị, sẽ chẳng thể lớn lên.