Tham quan di tích cách mạng Nhà và Hầm D67 qua không gian mạng

Nhà và Hầm D67 nằm trong khuôn viên khu Di tích Hoàng thành Thăng Long là nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương làm việc từ năm 1968 đến 1975; nơi ra những quyết định quan trọng trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

“Khách tham quan” khám phá di tích Nhà và Hầm D67 trên không gian mạng.
“Khách tham quan” khám phá di tích Nhà và Hầm D67 trên không gian mạng.

Với việc ứng dụng những công nghệ hiện đại, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020), công chúng có thể khám phá di tích cách mạng này qua không gian mạng.

Trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long (phố Hoàng Diệu, quận Ba Ðình) có một di tích đặc biệt quan trọng liên quan đến công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc. Ðó là Nhà và Hầm D67. Công trình được xây dựng vào năm 1967, là nơi làm việc của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong giai đoạn từ năm 1968 đến 1975. Tại đây đã diễn ra những cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, dẫn đến quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, thống nhất đất nước. Dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền nam diễn ra trong điều kiện cả nước tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19, bởi vậy, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội mở một tua tham quan "ảo" Nhà và Hầm D67 trên in-tơ-nét.

Với một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính nối mạng, chỉ cần truy cập vào một trong hai địa chỉ: www.trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn hoặc www.trungbay360.hoangthanhthanglong.vn, khách tham quan sẽ được khám phá Nhà và Hầm D67 trong bối cảnh giống như thật thông qua ứng dụng ảnh 360 độ. Ðó là một căn phòng nằm giữa những tán cây xanh mát. Không gian chính là phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Khách tham quan sẽ thấy hệ thống bản đồ chiến lược mà các đồng chí lãnh đạo từng nghiên cứu; các trang, thiết bị mà lãnh đạo Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương từng sử dụng trong các cuộc họp như điện thoại, máy chữ… hay những vật dụng giản dị như cặp lồng, bi-đông đựng nước…

Từng vị trí ngồi họp của các đồng chí lãnh đạo vẫn được giữ nguyên như trước.

Bấm tiếp vào chỉ dẫn, khách tham quan sẽ được bước sang những căn phòng khác. Phía bên tay phải là phòng làm việc của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại gian phòng này, hầu hết mọi hiện vật đều được giữ nguyên trạng như khi Ðại tướng làm việc cách đây mấy chục năm, từ bàn làm việc, cho đến bàn tiếp khách, hay những cuốn sổ đã ngả mầu theo năm tháng. Trong những giai đoạn chiến tranh căng thẳng, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thường làm việc tại đây trong thời gian dài, nên anh em đã bố trí một chiếc giường nhỏ để đồng chí ngả lưng. Tất cả đều toát lên một sự đơn sơ, giản dị của người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay phía bên tay trái phòng họp là nơi làm việc của Ðại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Cũng chỉ bằng những cái chạm hoặc bấm chuột máy tính, khách tham quan sẽ được dẫn xuống tham quan Hầm D67. Căn hầm được xây dựng kiên cố bằng bê-tông cốt thép, cửa bằng thép dày tới 12 cm. Trong những thời điểm Mỹ ném bom ác liệt, căn phòng này đã trở thành nơi bàn bạc và ra những quyết sách của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương.

Tại mỗi địa điểm tham quan, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội bố trí một cột thông tin giới thiệu đầy đủ về giá trị của địa điểm, các sự kiện liên quan đến địa điểm. Khách tham quan có thể phóng to, thu nhỏ theo ý muốn. Các thông tin đều được trình bày song ngữ Việt - Anh để nhiều đối tượng độc giả có thể khám phá. Tại không gian này còn diễn ra trưng bày giới thiệu hơn 120 tài liệu hình ảnh, hiện vật, với ba chủ đề nội dung: Thời cơ mới; "Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng"; Niềm vui chiến thắng. Trong đó, đáng chú ý có những tài liệu, hình ảnh hết sức đặc biệt như tài liệu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, bức mật điện của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi chiến trường miền nam; tài liệu "Giờ G" lịch sử của Thượng tướng Trần Văn Trà, bản viết tay về những sự chuẩn bị trước giờ nổ súng tiến công Sài Gòn của Quân đội Nhân dân Việt Nam cuối tháng 4-1975…

Sau khi khám phá Nhà và Hầm D67 trên trang thông tin trực tuyến, chị Nguyễn Thu Huyền (phố Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho biết: "Tôi rất bất ngờ khi được biết trong lòng Hà Nội có những di tích đặc biệt liên quan đến giải phóng miền nam. Việc khám phá bằng công nghệ này hết sức thú vị. Sắp tới, tôi sẽ đưa gia đình đến thăm trực tiếp di tích này".

Ðể công chúng có thể hình dung rõ hơn về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn cung cấp cho khách tham quan nhiều thông tin có giá trị, bắt đầu từ khi ký kết Hiệp định Pa-ri năm 1973 đến các trận đánh quan trọng trong tháng 3, tháng 4-1975 và các cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, dẫn đến quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền nam.

Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Nguyễn Thị Yến cho biết, việc số hóa di sản, quảng bá di sản trực tuyến từ lâu đã là một hướng đi của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Với tình hình dịch bệnh xảy ra, giải pháp mở tua tham quan, trưng bày trên mạng là hoạt động thiết thực mừng ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tạo điều kiện để mọi người có thể khám phá di tích, hiểu thêm về lịch sử dân tộc dù không thể trực tiếp đến thăm.