Tạo động lực mới phát triển du lịch Thủ đô (Tiếp theo kỳ trước) (*)

Bài 2: Ghi dấu bằng những sản phẩm đặc trưng

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch để thu hút du khách.
Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch để thu hút du khách.

Với bề dày nghìn năm văn hiến, Hà Nội có nhiều di tích, di sản, làng nghề, ẩm thực... độc đáo. Đây chính là thế mạnh lớn nhất của thành phố trong phát triển du lịch. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo ra sức hút mới cho những tài nguyên ấy. Đã có nhiều đổi mới để tăng sức hấp dẫn cho du lịch văn hóa, đồng thời, thành phố tìm giải pháp phát triển du lịch đêm, thúc đẩy du lịch sự kiện, du lịch sinh thái...

Bài 1: 

Tạo động lực mới phát triển du lịch Thủ đô

Đi vào chiều sâu văn hóa

Những năm qua, Hà Nội đã khai thác thế mạnh văn hóa để thúc đẩy du lịch. Trước những yêu cầu mới, hoạt động văn hóa tại các điểm di tích, di sản chuyển hướng đi vào chiều sâu, tạo những trải nghiệm mới cho khách. Một trong những tua mới được đưa vào khai thác tại Hà Nội là sản phẩm du lịch tại Nhà tù Hỏa Lò.

Trong không gian tĩnh lặng vào buổi tối, ánh đèn hắt ra từ những pho tượng cùng tiếng động và tiếng nhạc trầm bổng mà du khách được nghe qua tai nghe khiến câu chuyện về tinh thần cách mạng kiên trung của những chiến sĩ cách mạng được khắc họa sống động và chân thực. Đó là câu chuyện về lớp học chính trị của các chiến sĩ cách mạng sau những trận đòn roi của kẻ thù; câu chuyện về tiếng ru con ầu ơ của những nữ tù nhân chính trị trong ngục tối; chuyện vượt ngục lịch sử của 17 tử tù trong đêm đông năm 1951 hay câu chuyện về cây bàng đã cứu sống nhiều chiến sĩ cách mạng... Tua khám phá “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” kéo dài 45 phút. Trưởng ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Đây là sản phẩm kích cầu du lịch trong nước, sau đó sẽ hướng tới thu hút du lịch quốc tế, bởi thế chúng tôi muốn sử dụng các sản phẩm đặc trưng nhất của Di tích Nhà tù Hỏa Lò để tăng thêm sức hút cho du khách”. Được giới thiệu từ cuối tháng 6 và chính thức đi vào khai thác từ ngày 24-7, tua du lịch đêm nhận được nhiều sự quan tâm của du khách. 

Tại ngoại thành, một tua du lịch khá nổi tiếng là khám phá làng cổ Đường Lâm. Thay vì chỉ tham quan những di tích, nhà cổ ở làng Đường Lâm, Công ty Lữ hành AZA có sản phẩm trải nghiệm qua tua chuyên đề “Mùa lúa chín”. Sau khi tham quan làng cổ, khách du lịch được tham gia nhiều hoạt động “làm nông dân”, nghỉ ngơi trong các căn nhà kiểu truyền thống… 

Dịp này, các doanh nghiệp, các đơn vị phụ trách điểm đến đang chuẩn bị những tua du lịch đậm chất văn hóa trên địa bàn diễn ra vào mùa thu. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết: “Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu. Vì thế, cần phải định vị điểm đến Hà Nội bằng cách liệt kê những điểm tham quan đặc sắc, những món ăn đặc trưng vào mùa thu, đông của Hà Nội”. Tua “Đêm trước ngày dời đô” của Hanoitourist sẽ là điểm nhấn trong “mùa du lịch” của Hà Nội. Những năm trước, các doanh nghiệp đã liên kết xây dựng sản phẩm “Cảm xúc Hà Nội” bằng việc khai thác hài hòa các yếu tố: cảnh quan, di tích, ẩm thực, làng nghề của Thủ đô như việc đưa khách đến tham quan chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, ngắm cảnh hồ Hoàn Kiếm, mua sắm tại khu phố cổ, chợ Đồng Xuân, thăm làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc… đã thu hút rất đông khách du lịch. Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng đề nghị Sở Du lịch khởi động lại và tiếp tục phát triển sản phẩm này như một thương hiệu riêng của du lịch Thủ đô, định hướng các doanh nghiệp khách sạn, vận chuyển, điểm đến, liên kết giảm giá, nhưng không giảm chất lượng.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: “Điều quan trọng trong du lịch văn hóa chính là chiến lược “kể chuyện” di tích, di sản bằng những câu chuyện mới, chú ý đến trải nghiệm, khơi gợi cảm xúc của khách tham quan. Điển hình như các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò hay sắp tới là các tua “Đêm trước ngày dời đô”, các tua khai thác nét đặc trưng của mùa thu Hà Nội… Thay vì “bán cái ta có”, ngành du lịch Hà Nội đang chuyển hướng sang “giúp khách mua hàng”. Xây dựng một tua du lịch mới không phải là chuyện ngày một, ngày hai, nhưng các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ”.

Đánh thức tiềm năng du lịch đêm

Từ lâu, các tạp chí du lịch, trang thông tin về du lịch đã bình chọn những địa điểm khám phá đêm Hà Nội nổi tiếng như: uống bia ở phố Tạ Hiện, chợ hoa Quảng Bá, chợ đêm phố cổ, trà chanh Nhà thờ Lớn… Tuy nhiên, phải đến khi Hà Nội đưa vào thí điểm rồi khai thác chính thức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, mở rộng không gian đi bộ tại khu phố cổ, Hà Nội mới có một sản phẩm du lịch đêm thật sự. Không gian này tạo ấn tượng bằng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Cùng với đó, thành phố cho phép triển khai các hoạt động du lịch đêm, trong đó có việc thí điểm mở cửa các quán bar, nhà hàng đến 2 giờ sáng, lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh. Nếu hồ Hoàn Kiếm trở thành không gian văn hóa, thì khu vực phố Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến trở thành “ngã tư quốc tế”. Khi chưa có dịch Covid-19 xảy ra, chiều tối các ngày trong tuần, rất đông khách du lịch nước ngoài tụ tập tại đây để trải nghiệm không khí và ẩm thực của phố cổ. Khi Việt Nam dừng đón khách quốc tế, rất đông khách du lịch trong nước vẫn đến đây. Tiếp nối thành công này, quận Tây Hồ đã ra mắt Không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực đường phố tại phố Trịnh Công Sơn, từng bước trở thành một địa chỉ văn hóa. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa về đêm ngày càng phong phú hơn như các canh hát ca trù trong khu phố cổ, các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội… đều là những sản phẩm du lịch được khách hàng ưa chuộng.

Sau khi chính thức khai thác không gian đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm đang tập trung hoàn thiện đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận. Theo đề án, sẽ có các hoạt động tổ chức theo hướng tổ chức xuyên đêm, các hoạt động được phân loại theo mô hình tổ chức, có phân kỳ thực hiện. Mô hình tổ chức sẽ bao gồm: tổ chức ngoài trời và trong nhà, tổ chức tại các không gian đi bộ và các địa bàn khác của quận. Một đơn vị khác cũng đang xúc tiến hoạt động du lịch đêm là Vườn thú Hà Nội. Theo Phó Giám đốc Vườn thú Hà Nội Nguyễn Minh Quyết, đơn vị đang nghiên cứu triển khai xây dựng sản phẩm khám phá vườn thú vào ban đêm giống như sản phẩm du lịch tại Xin-ga-po. 

Theo Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, nghiên cứu về hoạt động phát triển kinh tế ban đêm của các thành phố lớn gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... cho thấy, 70% chi tiêu của du khách rơi vào khung giờ từ 18 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, hiện tại, các sản phẩm du lịch đêm tại Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu. Tại hội nghị bàn giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tổ chức đầu tháng 7 này, đại diện nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến Hà Nội cần có kế hoạch phát triển kinh tế đêm một cách bài bản, quy củ; qua đó không chỉ tăng thêm sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ khách du lịch mà còn tác động tích cực tới các ngành kinh tế, dịch vụ khác. Ngoài ra, với vùng rừng núi rộng lớn tại Ba Vì, Mỹ Đức…, Hà Nội còn nhiều cơ hội để phát triển du lịch nghỉ dưỡng hay MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện) nhằm phát huy cao nhất tiềm năng của thành phố. Đây chính là cách định vị thương hiệu để tạo sức bật cho du lịch Thủ đô trong thời gian tới.

(Còn nữa)

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 24-7-2020.

Tạo động lực mới phát triển du lịch Thủ đô (Tiếp theo kỳ trước) (*) ảnh 1

Thúc đẩy phát triển du lịch hậu Covid-19