Tạo động lực mới phát triển du lịch Thủ đô

Bài 3 :Chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn phục hồi
 
 Mặc dù hoạt động du lịch còn gặp nhiều khó khăn, bởi thu nhập của không ít người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 xảy ra hồi đầu năm nay và đã xuất hiện trở lại tại Hà Nội cùng một số tỉnh, thành phố khác trong nước, nhưng ngành du lịch Thủ đô quyết tâm khắc phục khó khăn, đổi mới hoạt động. Trước mắt, đặt mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi đến Hà Nội, đồng thời tạo tiền đề phát triển du lịch bền vững khi dịch bệnh bị đẩy lùi.

 Khách du lịch khám phá các sản phẩm mới tại làng Bát Tràng.
Khách du lịch khám phá các sản phẩm mới tại làng Bát Tràng.

Tiếp tục khắc phục hạn chế, khó khăn
 
 Sau khi được phép đón khách trở lại, ngành du lịch Hà Nội đã khẩn trương bắt tay vào đổi mới các sản phẩm, tìm giải pháp kích cầu, thu hút khách du lịch. Một trong những vấn đề đặt ra với du lịch Thủ đô là chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch. Hiện thành phố mới có 120 cán bộ làm công tác quản lý du lịch, gồm cán bộ, công chức của Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội và các cán bộ, công chức quản lý du lịch ở các quận, huyện, thị xã. Mới chỉ có khoảng một phần ba số quận, huyện, thị xã có cán bộ chuyên trách về du lịch được đào tạo cơ bản, còn lại là những người từ lĩnh vực khác chuyển sang. Bởi vậy, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý du lịch các cấp. Trong đó, đầu tháng 7, Sở Du lịch tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên đề “Bối cảnh, xu hướng và giải pháp phát triển du lịch hậu Covid-19” cho đội ngũ phụ trách mảng du lịch ở các quận, huyện, thị xã. Lớp bồi dưỡng đã cung cấp những kiến thức, kỹ năng; đưa ra những phân tích về tâm lý, nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh hiện tại; gợi ý những giải pháp thu hút khách... Trên cơ sở đó, các học viên có những ý tưởng và giải pháp để phát triển du lịch địa phương. Sau khi tham gia lớp bồi dưỡng, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Nam Từ Liêm Vũ Thị Thanh Thúy cho biết: “Chương trình giúp tôi hiểu thêm về cách kết nối với doanh nghiệp và du khách, cách thức xây dựng sản phẩm du lịch mới... trong bối cảnh hiện nay. Điều này rất thiết thực, có thể áp dụng vào thực tế của địa phương”.
 
 Đối với nhân lực làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo đặt ra là, đến năm 2020, ngành du lịch Hà Nội có khoảng 126.700 lao động trực tiếp, toàn bộ lực lượng lao động này được trang bị, đào tạo kiến thức du lịch. Trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều khoa đào tạo nhân lực tại các trường đại học, cao đẳng, nhưng chất lượng chưa đồng đều, chưa thật sự chuyên nghiệp về thái độ, tác phong khi phục vụ, khoảng cách giữa đào tạo và thực tế còn xa... Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Minh Hạnh cho biết: “Để khắc phục tình trạng này, sở phối hợp các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Chúng tôi quan niệm, khi đã đón khách, thì từ người lái xe, nhân viên bảo vệ... cũng phải có thái độ chuyên nghiệp. Bởi vậy, năm 2019, sở đã mở 40 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao chất lượng nhân lực trực tiếp, nhân lực trong du lịch cộng đồng. Năm 2020, dịch Covid-19 khiến hoạt động này bị ảnh hưởng, nhưng sau khi hoạt động du lịch khởi động trở lại, sở đã tổ chức hai lớp tập huấn cho hướng dẫn viên, tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho người dân tại một số địa phương”.
 
 Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Thành phố có 1.290 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 74 doanh nghiệp lữ hành nội địa dừng hoạt động. Khoảng 1.190 cơ sở lưu trú đóng cửa. Không chỉ khối lữ hành, khách sạn, các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực, đồ lưu niệm... cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giám đốc Công ty Ngọc trai và Trang sức An Phú Nguyễn Thị Minh Thu cho biết: “Công ty An Phú chuyên sản xuất sản phẩm sơn mài và nuôi trồng kinh doanh ngọc trai nước mặn, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho khách du lịch, nhưng do khách giảm nên công ty cho khoảng 200 nhân viên tạm nghỉ việc”.
 
 Du lịch Hà Nội đang từng bước hồi phục, song nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ không thể phục hồi hoạt động, do đã đánh mất nhân lực chất lượng cao. Hiện đã có gần 41 nghìn lao động trong ngành du lịch phải nghỉ việc. Trong đó, riêng nhân lực tại các cơ sở lưu trú là 19.900 người, lữ hành 11.168 người, hướng dẫn viên 5.760 người... Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đề xuất thành phố sớm có giải pháp hỗ trợ. Đại diện Công ty Du lịch Công đoàn Việt Nam đề nghị: “Khách sạn Công đoàn đã hoạt động trở lại nhưng 20% số nhân viên phải nghỉ việc không lương. Năm 2019, khách sạn đã nộp 77,5 tỷ đồng tiền thuế các loại, nhưng sáu tháng đầu năm nay mới chỉ nộp khoảng sáu tỷ đồng. Trong số này đã có tới 4,6 tỷ đồng tiền thuế đất. Sau khi thành phố có quy định mới về đơn giá sử dụng đất, chi phí sử dụng đất của các doanh nghiệp thường tăng khoảng 10%. Đúng năm đại dịch, mà thuế đất lại tăng, cho nên khó khăn càng lớn. Bởi vậy, chúng tôi đề nghị thành phố có chính sách “gỡ khó” cho các doanh nghiệp”.
 
 Nỗ lực hướng đến tương lai
 
 Trong Chương trình số 04 của Thành ủy về Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh giai đoạn 2016-2020, phát triển du lịch Thủ đô là một trong những nội dung quan trọng. Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua. Năm 2019, thành phố đón 29 triệu lượt khách, trong đó có hơn bảy triệu khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 103.800 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2018. Đây là bước phát triển tốt nhất của du lịch Thủ đô từ trước đến nay. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020; cùng với đó, việc một số tỉnh, thành phố và Hà Nội có ca lây nhiễm bệnh trong cộng đồng vào cuối tháng 7 này khiến việc phục hồi gặp khó khăn hơn.
 
 Mặc dù vậy, khó khăn do dịch bệnh gây ra là động lực để du lịch Hà Nội làm mới mình, không chỉ thu hút khách trong thời điểm hiện tại, mà còn hướng đến tương lai. Trưởng Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Thanh Thủy chia sẻ: “Những nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ khách, tạo điểm nhấn về sản phẩm du lịch như chương trình “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” trước mắt là để phục vụ khách trong nước, nhưng cũng là sự chuẩn bị sẵn sàng khi Việt Nam đón khách quốc tế trở lại”. Nhiều cơ sở du lịch khác cũng khẳng định tương tự. Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: “Dù gặp khó khăn, nhưng các doanh nghiệp cũng hết sức năng động. Nhiều doanh nghiệp lớn chủ động tìm thị trường mới. Các doanh nghiệp đều phải nỗ lực hơn để ứng phó, qua đó, xuất hiện nhiều cách làm hay trong tổ chức tua, nâng cao chất lượng phục vụ để từng bước hồi phục. Sở Du lịch với vai trò cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, nâng cao chất lượng điểm đến, quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm. Khi dịch bệnh xuất hiện trở lại, ngành du lịch nỗ lực đón khách nhưng đồng thời khẩn trương thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách”.
 
 Chưa bao giờ du lịch Thủ đô chứng kiến hợp tác giữa “năm nhà”: Nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp lưu trú, doanh nghiệp vận chuyển, đơn vị sở hữu điểm đến chặt chẽ đến thế. Những đổi mới này giúp du lịch Thủ đô bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng và tạo nền tảng vững chắc hơn để sẵn sàng bước vào giai đoạn phục hồi toàn diện khi điều kiện cho phép.
 
 (★) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 24-7 và 28-7-2020.

Tạo động lực mới phát triển du lịch Thủ đô
Tạo động lực mới phát triển du lịch Thủ đô (Tiếp theo kỳ trước) (*)