Tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động

Thời gian qua, tình hình tai nạn lao động tại thành phố Hà Nội có chiều hướng gia tăng cả về số vụ vi phạm và số người bị tai nạn. Trước thực tế đáng lo ngại này, bên cạnh việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động ngay từ mỗi cơ quan, đơn vị, thành phố đề xuất cần tăng mức xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm an toàn vệ sinh lao động.

Công nhân Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất trong giờ làm việc. Ảnh: DUY LINH
Công nhân Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất trong giờ làm việc. Ảnh: DUY LINH

Tai nạn lao động gia tăng

Hà Nội hiện có khoảng hơn 3,8 triệu lao động sinh sống và làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, chế xuất. Ðó là chưa kể hàng trăm nghìn lượt lao động tự do vào thành phố làm việc mỗi ngày. Quy mô lao động tăng đã khiến công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) trên địa bàn gặp không ít thách thức.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tai nạn lao động (TNLÐ) trên địa bàn đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, Hà Nội xảy ra 694 vụ TNLÐ, trong đó có 190 vụ nghiêm trọng làm chết 195 người. Nếu so với giai đoạn 2013-2015, số vụ TNLÐ đã tăng 74,3%, số người chết tăng 77%. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Hà Nội đã có 25 vụ TNLÐ nghiêm trọng làm 26 người chết và tám người bị thương nặng. Ðiển hình là vụ sập giàn giáo khiến ba người chết và nhiều người bị thương tại công trình dự án cây xanh, bãi đỗ xe Việt Nhật tại đường Tố Hữu, phường Ðại Mỗ, quận Nam Từ Liêm vào tháng 8-2018. Vụ thanh sắt của một công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương, đoạn thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân bất ngờ rơi từ trên cao xuống đường khiến một phụ nữ chết, một người bị thương nặng phải nhập viện. Hay vụ giàn giáo đổ sập tại ngôi nhà đang xây dựng ở cụm 8, xã Hồng Hà, huyện Ðan Phượng khiến hai người chết, một người bị thương… Nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn nêu trên được các cơ quan chức năng xác định do chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định về ATVSLÐ.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Lê Hồng Dân cho biết: Mặc dù thành phố đã tích cực triển khai Luật ATVSLÐ nhưng ý thức chấp hành luật của nhiều chủ lao động còn hạn chế. Trên thực tế, nhiều người lao động và chủ sử dụng lao động đều chưa quan tâm đúng mức về ATVSLÐ, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ. Chính vì vậy, TNLÐ có xu hướng tăng, trong số đó nạn nhân thuộc nhóm không có hợp đồng lao động chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra có lúc, có nơi chưa hiệu quả, cho nên chưa tạo được sự chuyển biến mới trong công tác ATVSLÐ.

An toàn vệ sinh lao động cần đi vào thực chất

Với tốc độ phát triển nhanh, số lượng lao động lớn, nhiều năm qua, Hà Nội hết sức coi trọng công tác ATVSLÐ. Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATVSLÐ đến các doanh nghiệp, người lao động và đông đảo người dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của mọi người trong việc tuân thủ chính sách, pháp luật. Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLÐ năm 2019 (từ ngày 1 đến 31-5), với chủ đề "Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc", Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực hướng về doanh nghiệp, cơ sở lao động và người lao động trong cả khu vực có hợp đồng và lao động tự do.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, thời gian tới thành phố sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức của người lao động, chủ sử dụng lao động trong công tác ATVSLÐ, phòng ngừa nguy cơ TNLÐ trong sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách pháp luật về ATVSLÐ; tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm ATVSLÐ.

Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ TNLÐ ở Hà Nội đều do chủ đầu tư và người lao động chưa tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn lao động. Doanh nghiệp để xảy ra TNLÐ thường vi phạm "ba không", đó là không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn khi làm việc; không huấn luyện hoặc huấn luyện ATLÐ chưa đầy đủ cho người lao động; không có thiết bị bảo đảm an toàn. Còn với khu vực lao động tự do, công tác bảo đảm ATVSLÐ thường bị "bỏ qua", nhất là tại các công trình xây dựng. Mặt khác, việc các doanh nghiệp, chủ đầu tư được báo trước khi có các đoàn thanh tra đến cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến TNLÐ gia tăng, bởi không ít sai sót trong công tác bảo đảm an toàn lao động đã bị bưng bít, che đậy; đồng thời làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác
thanh tra, kiểm tra.

Trong buổi làm việc mới đây với TP Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLÐ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, công tác ATVSLÐ đã được thành phố triển khai bài bản. Tuy nhiên, Hà Nội cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, có các giải pháp phòng ngừa TNLÐ trong điều kiện môi trường tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn cao. Thành phố cũng cần chú trọng công tác tập huấn về ATVSLÐ, nhất là trong các khu vực không có quan hệ lao động, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thường xuyên đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, có nguy cơ rủi ro về ATVSLÐ để hạn chế thấp nhất tai nạn, bệnh nghề nghiệp, góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh.