Sớm tháo gỡ vấn đề người dân bức xúc

Trước thềm kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội khóa 15, cử tri Thủ đô đã có nhiều ý kiến, kiến nghị tập trung vào các vấn đề dân sinh bức xúc, với mong muốn các cơ quan chức năng sớm có câu trả lời và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Cử tri huyện Đông Anh phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc trước kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa 15. Ảnh: VIỆT QUANG
Cử tri huyện Đông Anh phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc trước kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa 15. Ảnh: VIỆT QUANG

Bảo đảm an sinh xã hội

Hà Nội đã cùng cả nước trở về trạng thái “bình thường mới” sau nhiều tháng chiến đấu với dịch Covid-19. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu hội đồng nhân dân trước kỳ họp thứ 15, đông đảo người dân Thủ đô ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của Đảng, Chính phủ và TP Hà Nội đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội nhanh chóng, kịp thời, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống. Cử tri Lê Văn Thứ (thôn 4, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức) đánh giá: Với cách làm chủ động, kiên quyết, Hà Nội dù là địa bàn có số bệnh nhân mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước, nhưng thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để kịp thời kiểm soát, ngăn ngừa phát hiện các dấu hiệu của dịch bệnh ngay khi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, giám sát chặt chẽ để ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Hiện, Hà Nội đã chuyển sang giai đoạn vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, trong khi tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, cử tri đề nghị thành phố tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân có ý thức phòng, chống, không để phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng.

Tin tưởng vào hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, cử tri thành phố cũng bày tỏ sự phấn khởi khi gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ đợt 1 đã được triển khai sớm đến các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, giúp người dân ổn định đời sống. Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đợt 2 đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính khiến các đối tượng thụ hưởng gặp khó khăn. Cử tri Nguyễn Duy Khang (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) phản ánh: Hiện nhóm lao động bị tạm dừng hợp đồng lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng sản xuất đang có nhiều vướng mắc khi hoàn thiện các thủ tục để được hưởng hỗ trợ. Các hộ kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn mong muốn thành phố nhanh chóng hoàn thành việc rà soát, lên danh sách, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, để nhóm đối tượng này sớm phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cử tri đề nghị thành phố, Chính phủ xem xét miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó nên giảm thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Bên cạnh đó, tại các buổi tiếp xúc, cử tri và nhân dân Thủ đô cũng đề nghị các cấp chính quyền khi triển khai các gói hỗ trợ an sinh phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng chính sách, có sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan để tránh tình trạng trục lợi chính sách, gây lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước.

Vẫn “nóng” chuyện ô nhiễm môi trường, giao thông

Dù đã được đề cập nhiều tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp HĐND thành phố, song các vấn đề về môi trường, xây dựng và quản lý đô thị vẫn là nội dung được nhiều cử tri phản ánh.

Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa bàn, cử tri các quận tiếp tục đề nghị thành phố sớm di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi nội đô, trong đó, diện tích đất một số nhà máy khi di chuyển cần chuyển đổi thành diện tích công viên, cây xanh, vườn hoa. Lo lắng trước tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ, cử tri huyện Thanh Oai kiến nghị thành phố cải tạo, xử lý tình trạng ô nhiễm nước, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, nước thải trước khi đổ vào các sông. Thành phố đã tuyên truyền, yêu cầu người dân hạn chế sử dụng các đồ vật làm từ nhựa, ni-lông nhưng hiệu quả chưa cao, cử tri đề nghị về lâu dài cần có chế tài xử lý với các trường hợp cố tình vi phạm. Cử tri huyện Hoài Đức đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm đến công tác xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là ở các làng nghề, kiểm tra việc xây dựng các trạm xử lý rác thải, vệ sinh môi trường tại các khu công nghiệp.

Liên quan lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị, cử tri huyện Sóc Sơn kiến nghị lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên một số tuyến đường, nút giao thông quan trọng tại các xã Kim Lũ, Xuân Thu, Đông Xuân, Hồng Kỳ; xây cầu qua sông Cà Lồ tại xã Việt Long, Xuân Thu để đi lại, giao thương thuận tiện. Cử tri huyện Thanh Oai cũng đề nghị thành phố và huyện tiếp tục nâng cấp đường giao thông thủy lợi nội đồng, đường giao thông liên thôn, liên xã; cho xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng. Cử tri các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm phản ánh việc khớp nối hạ tầng ở một số khu đô thị mới trên địa bàn chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân, đề nghị thành phố và quận sớm tháo gỡ.

Ngoài ra, tại các buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bức xúc khi giá tiền điện tăng vọt trong hai tháng gần đây, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Cử tri đề nghị cần xem xét tính minh bạch trong cách tính giá điện của ngành điện, nếu có vi phạm cần xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan bất cập trong quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi, cung cấp nước sạch cho nông thôn, các thiết chế văn hóa tại các thôn đã xuống cấp, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nhà hội họp của các tổ dân phố, chế độ chính sách cho cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố... cũng được các cử tri gửi tới kỳ họp mong sớm được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.