Sáng mãi tinh thần "Ba sẵn sàng"

Năm 13 tuổi, một viên đạn đại bác nổ gần bên đã lấy đi cánh tay trái của cậu bé Trịnh Ngọc Trình. Nhưng điều ấy cũng không thể ngăn cản người chiến sĩ nhỏ tuổi vượt khó vươn lên. Ít ai ngờ rằng, sau này, Trịnh Ngọc Trình đã có sáng kiến tổ chức phong trào "Ba sẵn sàng", thôi thúc biết bao thế hệ thanh niên lên đường nhập ngũ chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bây giờ, ở tuổi 84, tinh thần "Ba sẵn sàng" vẫn vẹn nguyên, ông vẫn đi đến những vùng sâu, vùng xa của đất nước, để thực hiện các dự án y tế, giáo dục giúp đỡ người dân các dân tộc thiểu số.

Sáng mãi tinh thần "Ba sẵn sàng"

Thầy giáo Trịnh Ngọc Trình (trong ảnh) là người có nhiều tên gọi thân mật như: "ông già của người nghèo", "anh thương binh", là "thầy giáo một tay", "anh ba sẵn sàng"... và "Em Ngọc". Nhưng ông bảo, ông vẫn thích được gọi là thầy giáo. Vì từ thời trẻ là một thầy giáo dạy chữ cho đến hôm nay là Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (viết tắt là HEDO, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), cuộc đời ông luôn là chặng đường không ngừng đem cái chữ đến những vùng cao heo hút, nơi đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn. Tôi hỏi, ở độ tuổi mà người ta phải nghỉ ngơi từ lâu, những chuyến công tác xa như thế ông có ngại không? Ông cười xòa: "Nếu ngại mình đã nghỉ công tác từ lâu rồi". Rồi ông nói: "HEDO ra đời là vì đồng bào miền núi mình còn nghèo. Còn nghèo thì mình còn phải tiếp tục".

Năm 11 tuổi, cậu bé Trịnh Ngọc Trình đã làm liên lạc viên cho bộ đội. Năm 1947, nhận nhiệm vụ chuyển công văn cho Đại đội đóng ở Ninh Bình, chẳng may cậu bé bị giặc phục kích, một quả đạn đại bác rơi rất gần khiến cánh tay trái bị nát. Nén đau, cậu bé cầm cánh tay lủng lẳng, chạy thêm 3 km nữa để hoàn thành nhiệm vụ trước khi ngất lịm. Cách duy nhất để cứu cậu bé là cắt bỏ cánh tay. Cả kíp phẫu thuật đã khóc ròng vì nỗi đau của người chiến sĩ nhỏ mới 13 tuổi. Trịnh Ngọc Trình chính là "Em Ngọc" trong bài báo cùng tên mà bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã viết về tấm gương anh dũng của người chiến sĩ tí hon trên báo Vui sống quân y. Mất đi cánh tay giữa lúc cả nước đang sục sôi đánh Pháp, Trình chỉ tiếc không được tiếp tục ra trận. Cậu được cử đi học sư phạm. Cấp trên quán triệt: Đánh "giặc dốt" cũng là đánh giặc, xây dựng đất nước. Khi học xong, được điều động về Hà Nội dạy học, thầy giáo Trình giãy nảy, cương quyết: "Không, em muốn đi dạy đồng bào miền núi. Nước mình mới hòa bình, người miền núi đang mong cái chữ của Bác Hồ". Vậy là thầy giáo trẻ Trịnh Ngọc Trình lên đường đến Lai Châu, Sơn La bắt đầu sự nghiệp giáo dục.

Năm 1957, khi về Hà Nội họp về công tác giảng dạy ở miền núi thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện. Bác nắm tay Trịnh Ngọc Trình ân cần hỏi thăm. Khi biết Trình là thương binh mà lại xung phong đi dạy ở những nơi khó khăn nhất, Bác đã biểu dương tinh thần phấn đấu của thầy giáo trẻ Trịnh Ngọc Trình trước toàn hội trường. Phút giây ngắn ngủi bên Bác Hồ là kỷ niệm không bao giờ quên với thầy giáo Trình suốt cuộc đời. Ông cảm thấy mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa sao cho xứng với lời ngợi khen của Bác Hồ.

Trịnh Ngọc Trình được điều động về làm Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Vừa là thương binh, vừa là người từng trải nhiều gian khổ dạy học ở vùng Tây Bắc, anh được sinh viên rất yêu mến, tín nhiệm. Sang những năm 1960, không khí đánh Mỹ ngày một sôi sục khi lính Mỹ đổ quân vào miền nam ngày một nhiều hơn. Bí thư Đoàn Trịnh Ngọc Trình đã có sáng kiến phát động phong trào "Tam bất kỳ": Bất kỳ đi đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ đãi ngộ thế nào, đều làm theo tiếng gọi của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phong trào Tam bất kỳ chính là tiền thân của phong trào "Ba sẵn sàng". Những ngày tháng ấy, 7.000 sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bắt tay vào vừa học, vừa luyện tập quân sự, sẵn sàng ra trận. Nhiều người được cử đi nước ngoài học tập, hoặc được giữ lại trường giảng dạy, nhưng đều xung phong đi chiến đấu. Sinh viên tự làm túi, đeo gạch, tập chạy quanh trường, tạo không khí vô cùng sôi nổi.

Khí thế hừng hực của phong trào Ba sẵn sàng ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã khiến Thành đoàn Hà Nội quyết định nhân rộng phong trào trên toàn thành phố. Đến tháng 3-1965, Trung ương Đoàn đã quyết định phát động phong trào Ba sẵn sàng trên toàn miền bắc. Hàng triệu thanh niên đã hăng hái đăng ký xung phong lên tuyến đầu chống Mỹ. Nhiều thanh niên đã viết thư bằng máu đăng ký tham gia chiến đấu giành độc lập cho dân tộc... Phong trào Ba sẵn sàng đã góp phần to lớn vào việc động viên thanh niên tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1990, khi vào độ tuổi sắp về hưu, thì ông lại bắt đầu sự nghiệp mới. Với sự hiểu biết về giáo dục, y tế miền núi, cộng với uy tín trong công tác, ông được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công làm Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi - một trong những tổ chức phi chính phủ đầu tiên ở nước ta. Là tổ chức đóng vai trò đi vận động các tổ chức quốc tế giúp đỡ Việt Nam, ngay ở lần đầu "xuất quân" khi tham dự Hội nghị Giáo dục cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương tại Ma-lai-xi-a năm 1991, câu chuyện của Giám đốc HEDO Trịnh Ngọc Trình đã chinh phục lòng người: "Từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã phát động phong trào Bình dân học vụ. Nhờ đó, sau này 95% người Việt Nam biết chữ. Nhưng Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài cho nên gặp nhiều khó khăn, cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế". Nhiều vị lãnh đạo của các đoàn trong khu vực vỗ tay tán thưởng khi biết rằng Việt Nam đã quan tâm đến giáo dục cộng đồng từ hơn nửa thế kỷ trước. Cũng từ đó, nhiều tổ chức đã giúp đỡ phát triển giáo dục, y tế, khoa học cho miền núi Việt Nam thông qua HEDO. Tính đến nay, HEDO đã triển khai được hơn 200 dự án, trải khắp các tỉnh Tây Bắc và miền trung - Tây Nguyên...

84 tuổi, nhưng tinh thần Ba sẵn sàng vẫn luôn ngời sáng trong con người thầy giáo Trịnh Ngọc Trình.