Thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Quyết tâm đột phá và bước đi cẩn trọng

TP Hà Nội đang triển khai thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII). Trong đó, việc cân nhắc bỏ hay giữ Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp phường, xây dựng bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, không chồng chéo, nhưng vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là nội dung được nhiều người quan tâm.

Đoàn giám sát HĐND phường Kiến Hưng (Hà Đông) kiểm tra thực địa các công trình đang xây dựng trên địa bàn. Ảnh: LINH CHI
Đoàn giám sát HĐND phường Kiến Hưng (Hà Đông) kiểm tra thực địa các công trình đang xây dựng trên địa bàn. Ảnh: LINH CHI

Cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân

Trong quá trình tổ chức các phương án xây dựng chính quyền đô thị tại Hà Nội, Ban soạn thảo đã đề xuất xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị (cấp thành phố và cấp quận), ba cấp chính quyền ở nông thôn (cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã), một cơ quan hành chính đại diện (tại phường); cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế ủy ban. Theo phương án này, thành phố sẽ bỏ HĐND tại cấp phường. Nhận định về đề xuất này, nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng đây là các phương án mạnh dạn, thể hiện quyết tâm của thành phố hướng tới một bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét, bởi việc duy trì hay không duy trì HĐND cấp phường có tác động không nhỏ tới những người đang làm việc trong bộ máy này. Hơn nữa, trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND cấp phường đã có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động như có thêm hai ban: Pháp chế và Kinh tế - Xã hội, góp phần nâng cao chất lượng các nghị quyết khi ban hành, tăng cường công tác giám sát tại cơ sở…

Không tán thành với việc bỏ HĐND cấp phường, bà Nguyễn Thanh Yên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND phường Trung Tự (quận Đống Đa) cho rằng, HĐND cấp phường thời gian qua dù còn nhiều bất cập, một số lĩnh vực hoạt động còn hình thức, chưa thực quyền, song đã thể hiện là cầu nối, người đại diện giữa Đảng - chính quyền với nhân dân, đại diện cho ý chí, quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Thay vì bỏ HĐND cấp phường, bà Yên đề nghị khi triển khai mô hình chính quyền đô thị cần tăng thẩm quyền trách nhiệm cho HĐND phường, tăng số đại biểu chuyên trách. Chủ tịch HĐND phường Trung Tự cũng chỉ rõ: nếu không tổ chức HĐND cấp phường thì sẽ làm xáo trộn bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương, mất đi vai trò kiểm soát, giám sát trong tổ chức; hoạt động của chính quyền không phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền.

Đề nghị giữ nguyên hệ thống chính quyền địa phương ba cấp, mỗi cấp đều có HĐND và UBND như hiện hành, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt gợi mở nên đổi mới cơ chế vận hành của cơ quan HĐND các cấp theo hướng giảm tối đa số đại biểu HĐND, tăng số đại biểu chuyên trách và giảm triệt để các đại biểu đang làm trong các cơ quan hành chính ở địa phương. Cần quy định cụ thể chế độ trách nhiệm của đại biểu gắn với chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Cùng với đó, cần quy định rõ mối quan hệ và chế độ làm việc giữa HĐND các cấp trong cùng một hệ thống chính quyền.

Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy


Trái với đề xuất duy trì HĐND cấp phường, nhiều người lại cho rằng việc bỏ HĐND cấp phường là một bước đi phù hợp trong quá trình xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Bởi trên thực tế, tại một số địa phương, HĐND cấp phường, xã hoạt động mờ nhạt, không hiệu quả, chưa thật sự phát huy vai trò người đại biểu của nhân dân.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND phường Thổ Quan (quận Đống Đa) Đinh Nguyên Mạnh bày tỏ quan điểm: Nên thí điểm bỏ HĐND cấp phường bởi trên thực tế có những nội dung hoạt động của HĐND phường còn hình thức, chất lượng không cao, phần lớn đại biểu HĐND phường là cán bộ hưu trí và kiêm nhiệm, cho nên thiếu kinh nghiệm, ngại va chạm. Ông Mạnh đề xuất, nếu bỏ HĐND cấp phường cần tăng số lượng và nâng cao vai trò trách nhiệm của đại biểu HĐND cấp quận, thành phố phụ trách, theo dõi, giám sát hoạt động địa bàn theo quận và phường.

Dành nhiều sự quan tâm tới xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lưu ý, việc không tổ chức HĐND sẽ đụng chạm đến những nhân sự thuộc biên chế HĐND, nhất là người đang nắm các vị trí lãnh đạo, tác động đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận cán bộ, công chức. Do vậy, nếu có triển khai, TP Hà Nội cần thực hiện thận trọng, minh bạch, có lý có tình. Mặt khác, nếu không tổ chức HĐND, cán bộ của UBND cùng cấp sẽ được giao quyền, được phân cấp nhiều hơn trong quản lý các vấn đề đô thị trên địa bàn, cho nên cần lựa chọn người đủ năng lực, trình độ, đạo đức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thành phố Hà Nội đang gấp rút lấy ý kiến, bổ sung, hoàn thiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị với mong muốn có thể áp dụng, triển khai từ giữa năm 2020. Thiết nghĩ, việc xây dựng chính quyền đô thị không chỉ đơn thuần là việc duy trì hay không duy trì HĐND cấp phường, mà quan trọng là phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cơ cấu lại bộ máy theo hướng tinh gọn, rõ trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, không vi hiến và phù hợp thực tiễn của địa phương. Trong tiến trình đó, việc giữ hay bỏ HĐND cấp phường sẽ tiếp tục được bàn thảo và đánh giá kỹ lưỡng. Trước mắt, thành phố cần tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động HĐND, của bộ máy hành chính các cấp, nhất là cấp cơ sở, tạo tiền đề để có thể triển khai hiệu quả mô hình thí điểm chính quyền đô thị tại địa phương.