Phù Ðổng xây dựng làng văn hóa - du lịch

Ðến Phù Ðổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vào bất kỳ thời gian nào trong năm, khách tham quan đều cảm thấy "ngợp" trước cánh đồng rực rỡ sắc hoa.

Khách du lịch trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại Phù Đổng Green Park.
Khách du lịch trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại Phù Đổng Green Park.

Vùng đất lúa nay đã biến thành vùng trồng hoa giấy. Phù Ðổng kết hợp thế mạnh từ việc sở hữu Di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Ðổng, Di sản văn hóa thế giới Lễ hội Gióng với tạo dựng cảnh quan, sinh thái để phát triển du lịch.

Ðứng trên đê sông Ðuống đoạn chạy qua xã Phù Ðổng là một bức tranh rực rỡ sắc mầu trải ra trước mắt. Mới cách đây ít năm, đây là khu vực trồng lúa, thì bây giờ, Phù Ðổng đã chuyển thành làng hoa. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Ðổng Nguyễn Văn Quyền cho biết: "Cánh đồng xã Phù Ðổng xưa vốn trồng lúa, trồng cỏ nuôi bò sữa, nhưng người dân từ lâu có nghề làm cây cảnh nổi tiếng. Khoảng 20 năm trở lại đây, nghề trồng hoa giấy được du nhập về. Nhận thấy tiềm năng của loại cây này, chính quyền xã Phù Ðổng đã hỗ trợ, vận động nhân dân phát triển nghề trồng hoa giấy, hình thành vùng chuyên canh với tổng diện tích trồng hoa giấy khoảng 300 ha". Nghề trồng cây cảnh truyền thống đã đem lại lợi thế lớn khi người dân xã Phù Ðổng chuyển sang trồng hoa giấy. Thay vì chỉ trồng những cây hoa giấy thông thường, người dân Phù Ðổng tạo dáng, thế cho những cây hoa giấy; ghép nhiều loại hoa trên cùng một gốc, nhờ đó tăng giá trị cho cây. Hiện, toàn xã có khoảng gần 500 hộ trồng hoa giấy. Gia đình anh Ðào Công Vinh, là một điển hình khi đã chuyển đổi gần 1 ha trồng lúa, màu sang trồng hoa giấy. Trong đó, những chậu cây được tạo dáng có đến gần 4.000 cây. Mỗi chậu có giá vài triệu đồng. Anh Vinh cho biết: "Gia đình tôi trồng cây thế tuy phải mất nhiều năm tạo dáng, sau khi có "phôi", phải mất hai năm tạo dáng, nhưng nhờ thế, giá trị tăng gấp ba, bốn lần so với cây bình thường". Những hộ nông dân "tỷ phú" như gia đình anh Vinh không phải là hiếm. Mỗi ngày, xã xuất đến vài chục xe tải chở cây giống, cây hoa thành phẩm các loại cung cấp cho thị trường.

Tuy nhiên, Phù Ðổng nổi tiếng lâu nay không phải bởi nghề trồng hoa giấy, mà là "quê hương" của Thánh Gióng - một trong Tứ bất tử của dân tộc. Quần thể đền thờ Thánh Gióng nằm trên địa bàn xã đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể này gồm 10 điểm di tích thành phần, gồm: Ðền Phù Ðổng, đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban, đình Hạ Mã, bãi Soi Bia, bãi Ðống Ðàm... phân bố trên địa bàn ba thôn của xã. Trên nền của quần thể di tích ấy diễn ra Lễ hội Gióng. Vào những dịp chính hội, màn diễn xướng tại Hội Gióng có sự tham gia của hàng nghìn diễn viên quần chúng, trở thành màn "hội trận" (tái hiện cảnh Thánh Gióng đánh giặc) lớn nhất nước ta. Cùng với Lễ hội Gióng ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Lễ hội Gióng tại Phù Ðổng được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2010). Ðây chính là một "bảo tàng văn hóa" của Việt Nam, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng...

Từ hai "đặc sản" này, UBND huyện Gia Lâm đã đồng ý xây dựng, triển khai Ðề án Phát triển du lịch Phù Ðổng, huyện Gia Lâm giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Bí thư Ðảng ủy xã Phù Ðổng Phùng Xuân Việt cho biết: "Theo lộ trình đã được TP Hà Nội thông qua, đến năm 2025, huyện Gia Lâm sẽ trở thành đô thị. Ðể đáp ứng yêu cầu lên quận, xã Phù Ðổng cần thực hiện bước chuyển đổi về định hướng phát triển. Trong đó, chúng tôi xác định trọng tâm là phát triển du lịch, với hai dòng sản phẩm chính gồm: Du lịch văn hóa, với lộ trình tham quan cụm Di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Ðổng, tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động của Lễ hội Gióng. Dòng sản phẩm thứ hai là du lịch tham quan, trải nghiệm nông nghiệp, sinh thái nghỉ dưỡng... Chúng tôi đã vận động người dân thay đổi phương pháp trồng, chăm sóc cây để vừa bán hoa, vừa sắp đặt, tạo cảnh quan để người dân thuận tiện cho hoạt động tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh".

Ðể phục vụ cho lộ trình chuyển đổi này, UBND huyện Gia Lâm đã đầu tư tu bổ cụm di tích đền Phù Ðổng, cải tạo hạ tầng của cả quần thể, gồm cả các bãi nơi diễn ra màn diễn xướng đánh trận của Thánh Gióng để tạo điều kiện cho khách tham quan. Cuối năm 2020, UBND huyện Gia Lâm phối hợp Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tập huấn về ứng xử văn minh du lịch cho hàng trăm hộ dân tại Phù Ðổng. Ngoài ra, trên địa bàn hiện đã có mô hình du lịch sinh thái - nông nghiệp quy mô đầu tiên là Phù Ðổng Green Park rộng 18 ha. Khu du lịch sinh thái này phù hợp với du lịch học đường, du lịch trải nghiệm nông nghiệp… của các gia đình và các trường học.

Từ chỗ chỉ có khách du lịch đến vào dịp mùa lễ hội, tham quan đầu xuân, hiện nay, xã Phù Ðổng đã có khách du lịch đến tham quan quanh năm. Dịp cuối tuần, nhiều khách du lịch kết hợp tham quan các di tích, trải nghiệm ở vườn hoa với nghỉ dưỡng tại khu sinh thái Phù Ðổng Green Park tạo thành một tua khép kín. Bí thư Ðảng ủy xã Phù Ðổng Phùng Xuân Việt cho biết, mặc dù việc chuyển đổi cơ cấu mới bắt đầu và còn không ít khó khăn, nhưng đây là lựa chọn bắt buộc, cho nên xã đã chuẩn bị xây dựng ứng dụng du lịch thông minh, thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng và cung cấp in-tơ-nét không dây miễn phí cho du khách; dự kiến sẽ tổ chức hoạt động tham quan bằng xe điện, cho thuê xe đạp... để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.

GIANG NAM