Phụ nữ Thủ đô chủ động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Trong những năm qua, Hội liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã triển khai nhiều phong trào mang bản sắc riêng của phụ nữ Thủ đô, tiên phong, đổi mới hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đồng thời có nhiều phong trào thi đua, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố. 

Chị Lê Thị Chuyên (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) hoàn thiện sản phẩm tranh gốm sứ ghép miếng tại cơ sở sản xuất gia đình. Ảnh: NGỌC MINH
Chị Lê Thị Chuyên (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) hoàn thiện sản phẩm tranh gốm sứ ghép miếng tại cơ sở sản xuất gia đình. Ảnh: NGỌC MINH

Được công nhận là một trong 10 sản phẩm sáng tạo tiêu biểu của phụ nữ Thủ đô năm 2020 tại Ngày hội Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội tổ chức, sản phẩm tranh gốm sứ ghép miếng của cơ sở sản xuất gia đình chị Lê Thị Chuyên (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) thật sự cuốn hút người xem. Từng có nhiều năm đi làm thuê ở làng gốm Bát Tràng, chị Chuyên cùng chồng luôn ấp ủ, chắt chiu kinh nghiệm, nguồn vốn để có thể mở một cơ sở gốm sứ của riêng mình. Sau nhiều thăng trầm, cơ sở gốm sứ Hà Chuyên đã ra đời. Khi thấy đồ gốm sứ gia dụng mang lại hiệu quả kinh tế không cao, gia đình chị Chuyên mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, sản xuất mặt hàng mới, độc đáo là tranh sứ ghép miếng. Ngay từ khi ra đời, sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận. Cùng với sự hỗ trợ của Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, hiện cơ sở sản xuất Hà Chuyên đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định với nhà xưởng và hai cơ sở trưng bày, giới thiệu sản phẩm, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 40 lao động với mức thu nhập khoảng tám triệu đồng/tháng/ người. 

Những năm qua, từ Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, nhiều phụ nữ từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, mức sống cho bản thân và gia đình, góp phần tạo thêm việc làm cho hàng nghìn lao động. Chỉ tính riêng giai đoạn 2018 - 2020, thành phố có 1.750 phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp; hơn 157 nghìn phụ nữ được vay hơn 6.200 tỷ đồng thông qua kênh tín chấp của Hội LHPN. Bên cạnh đó, các hoạt động trợ vốn, giúp hội viên xóa nghèo, làm kinh tế cũng được đẩy mạnh. Từ năm 2010 đến nay, các cấp hội đã giúp 27.496 hộ thoát nghèo, giúp 15.640 hộ cận nghèo và hộ khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao mức sống.

Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở hội thành lập nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ. Hợp tác xã Nông sản phụ nữ Phú Xuân Hương (huyện Quốc Oai) được thành lập từ ba tổ liên kết của các xã Phú Cát, Đông Xuân và Nghĩa Hương, hiện đang thu hút 50 hộ gia đình tham gia. Mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp ra thị trường trung bình chín tạ thịt lợn và gần 100 con gia cầm, hàng trăm quả trứng gà sạch… Các mô hình kinh tế tập thể khác do phụ nữ làm chủ như Hợp tác xã rau an toàn xã Tiền Lệ (Hoài Đức), thịt lợn sạch (Thạch Thất); nấm Sáng Thiện (Sóc Sơn), hoa lan (Phúc Thọ)… đã phát huy hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhất là chị em phụ nữ.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, Hội chủ động rà soát tổng hợp phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp để có kế hoạch giúp đỡ thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, đa dạng các hình thức tuyên truyền, khích lệ phụ nữ mạnh dạn nghiên cứu học tập, tự tin, chủ động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

Hội LHPN Hà Nội hiện có 33 đầu mối tổ chức Hội và hai đơn vị thành viên là Hội Nữ trí thức Hà Nội và Hội nữ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, với tổng số  885 nghìn hội viên. Trong những năm qua, Hội đã có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong công tác vận động phụ nữ, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Các cấp hội phụ nữ đã triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua, qua đó xuất hiện nhiều mô hình hay được hội viên tích cực hưởng ứng. Thí dụ như, từ cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực được duy trì, nhân rộng như “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh - sạch - đẹp thân thiện với môi trường”. Đã có hơn 4.200 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp được duy trì, 1.557 đoạn đường nở hoa, 714 điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh - sạch - đẹp thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng triển khai có hiệu quả nhiều Đề án như “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất”, duy trì hoạt động 635 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, các câu lạc bộ “Nuôi dạy con tốt”, “nuôi con bằng sữa mẹ”, phòng, chống bạo lực gia đình…

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, Hội LHPN Hà Nội thời gian qua đã triển khai nhiều phong trào mang bản sắc riêng của phụ nữ Thủ đô, tiên phong, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; làm tốt các hoạt động hỗ trợ, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên phụ nữ, quan tâm đối tượng phụ nữ yếu thế, dễ bị tổn thương. Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức hội và chất lượng hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước. Đồng chí bày tỏ mong muốn, nhiều mô hình hay của Hội LHPN Hà Nội sẽ được nhân rộng ra cả nước như phong trào “Ba đảm đang” của các chị, các mẹ từ hơn 50 năm trước.