Ổn định giá hàng hóa, dịch vụ khi điện, xăng tăng giá

Các yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, ga… thời gian gần đây tăng đáng kể, tác động mạnh đến giá hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đang phải “đau đầu” cân đối lại thu chi để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Hapro Kim Chung.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Hapro Kim Chung.

Trong hai tháng, từ ngày 2-3 đến ngày 2-5-2019, giá xăng dầu đã có bốn lần điều chỉnh tăng giá. Cục Thống kê thành phố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hà Nội tháng 4-2019 đã tăng 0,24% so với tháng trước. Bảy trong số 11 chỉ số đã tăng giá, trong đó, nhóm giá dịch vụ giao thông tăng cao nhất, tới 4%. Nhóm giá dịch vụ nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng là nhóm tăng cao thứ hai, với mức 0,63% do giá ga, xăng, dầu và điện tăng kéo theo giá một số vật liệu xây dựng như sắt, thép tăng. CPI bình quân bốn tháng đầu năm 2019 tại Hà Nội đã tăng 4,06% so với cùng kỳ năm 2018.

Biến động nhanh nhất chính là giá thực phẩm tại các chợ truyền thống. Vào cuối tháng 4, nhóm thịt gia cầm tươi sống đã tăng 0,12% so với tháng trước, nhóm thủy, hải sản tươi sống tăng 0,34%, thịt bò tăng 0,04%. Riêng mặt hàng rau xanh, củ quả do ảnh hưởng của thời tiết cho nên đã tăng giá khá mạnh. Khảo sát tại một số cửa hàng rau xanh tại phố Hàng Bè, Nguyễn Khắc Cần, các chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Nghĩa Tân… những ngày đầu tháng 5, phần lớn các mặt hàng đều đã tăng giá so với cuối tháng 4. Cụ thể, các loại rau muống, rau ngót, rau cải… tăng thêm từ 3.000 đến 5.000 đồng/mớ; hành hoa từ 18 nghìn đồng/kg lên gần 30 nghìn đồng/kg… Chị Nguyễn Thu Vân, chủ hàng rau tại chợ Hôm cho biết, giá xăng, dầu tăng mấy lần liền khiến chi phí vận chuyển thực phẩm từ các vùng sản xuất tới chợ đầu mối và từ chợ đầu mối tới các cửa hàng bán lẻ tăng cao. Do đó, các hộ kinh doanh phải tăng giá bán theo.

Trong khi hàng hóa tại các chợ đã rục rịch tăng giá thì tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hầu hết các mặt hàng vẫn giữ ổn định về giá. Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, do doanh nghiệp thu mua tập trung, cho nên luôn có những điều khoản chặt chẽ về giá hàng hóa cung ứng. Hiện hệ thống siêu thị, cửa hàng của Hapro chưa nhận được thông báo điều chỉnh giá từ nhà cung cấp. Giám đốc siêu thị Saigon Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thì cho biết, hiện đơn vị chưa điều chỉnh giá các mặt hàng kinh doanh trong hệ thống, thậm chí do đang chạy chương trình khuyến mãi nhân dịp sinh nhật, cho nên nhiều mặt hàng còn được giảm giá, khuyến mãi. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4-2019, đơn vị đã bắt đầu nhận được các thông báo tăng giá từ nhiều nhà cung cấp. Để bảo đảm quyền lợi tốt nhất của người tiêu dùng, siêu thị sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để tìm ra phương án điều chỉnh hợp lý nhất.

Với thị trường dịch vụ vận tải, hiện nay cũng chưa có hãng ta-xi nào thay đổi giá cước. Tuy nhiên, theo nhận định, việc điều chỉnh giá cước chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi. Bởi việc xăng dầu tăng tới gần 5.000 đồng/lít sẽ tạo áp lực mạnh lên các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này. Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (sở hữu hãng ta-xi VIC) Trương Quốc Hùng chia sẻ: Nếu giá xăng không giảm, doanh nghiệp buộc phải tăng giá cước, mặc dù biết việc tăng giá sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của đơn vị.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để doanh nghiệp có thể giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực khi giá các yếu tố đầu vào như xăng, dầu, điện… tăng thì cần tổ chức lại hệ thống phân phối, giảm bớt các khâu trung gian. Bởi càng qua nhiều khâu trung gian, giá bán lẻ hàng hóa càng bị đội lên. Ngoài ra, doanh nghiệp cần quản trị tốt, đầu tư trang thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại giúp giảm tiêu hao năng lượng, tính toán phương án vận tải tiết kiệm giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Sở Công thương sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu thành phố các giải pháp điều chỉnh hợp lý. Đồng thời, tham mưu, triển khai tổ chức, xây dựng các trung tâm giao dịch hàng hóa, nông sản thực phẩm, các chợ đầu mối để kinh doanh công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, góp phần giảm bớt tốc độ tăng giá không cần thiết.