Nỗ lực cải thiện chỉ số PAPI (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Thước đo sự hài lòng của người dân

Cán bộ UBND quận Long Biên hướng dẫn người dân tra cứu thông tin quy hoạch tại Bộ phận một cửa. Ảnh: NHẬT NAM
Cán bộ UBND quận Long Biên hướng dẫn người dân tra cứu thông tin quy hoạch tại Bộ phận một cửa. Ảnh: NHẬT NAM

Nhận thức đúng tầm quan trọng của chỉ số PAPI, hiện nay TP Hà Nội xem đây là một trong những công cụ giúp theo dõi và giám sát hiệu quả và chất lượng hoạt động của các cấp chính quyền thành phố. Quá trình triển khai, dù đã có những chuyển biến tích cực ban đầu, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và thực tiễn đòi hỏi.

Tăng cường công khai, minh bạch

Để phấn đấu đưa chỉ số PAPI vào nhóm trung bình, thời gian qua, TP Hà Nội tập trung công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách và tạo sự đột phá, chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn. Hà Nội đã ban hành kế hoạch và triển khai quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị. Trong năm 2018, thành phố đã tổ chức 313 lớp, hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng với khoảng 41.380 lượt người tham gia. Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của 1.087 cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng. Thành phố cũng tiếp tục duy trì việc gửi, nhận toàn bộ các văn bản, tài liệu điện tử trong giao dịch hành chính điện tử (trừ văn bản mật). Đồng thời triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến dùng chung cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên toàn thành phố hiện đạt 55%.

Đáng chú ý, thành phố cũng triển khai 376 cuộc thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý tài chính, tài sản công… Qua đó, kiến nghị thu hồi hơn 178 tỷ đồng, kiến nghị xử lý vi phạm 3,3 ha đất, kiểm điểm trách nhiệm 42 tập thể và 75 cá nhân có vi phạm, đã chuyển cơ quan điều tra một cuộc.

Việc cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI cũng được yêu cầu triển khai đến tận cấp cơ sở. Tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất - một trong bốn xã miền núi của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) sáp nhập về TP Hà Nội cũng dần làm quen với chỉ số này. Dân cư sống không tập trung, phần lớn là người dân tộc thiểu số, cho nên để cải thiện chỉ số PAPI trên địa bàn là điều không đơn giản. Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho biết: Với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, trong công tác xây dựng nông thôn mới, xã Yên Bình đã vận động người dân tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công, hàng nghìn mét vuông đất, hiện vật, tiền cho việc xây dựng các công trình công cộng. Tuy nhiên, việc cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI tại địa phương vẫn gặp không ít khó khăn khi một số cán bộ còn hạn chế về trình độ, năng lực, chưa có tác phong chuyên nghiệp, cho nên hiệu quả công việc chưa cao. Phần mềm dịch vụ công mức độ 3 còn nhiều lỗi, ảnh hưởng trực tiếp quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục của công dân. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Giáp Dần đề nghị, cấp xã cũng cần tạo một trang thông tin điện tử nhằm tăng thêm sự tương tác, kết nối giữa chính quyền với người dân.

Quyết liệt hành động, hướng đến hiệu quả

Từ năm 2017, TP Hà Nội đã triển khai các nội dung liên quan đến cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI đến tất cả các xã, phường, thị trấn, mặc dù vậy, không ít cán bộ cấp cơ sở chưa thật sự quan tâm, vẫn còn mơ hồ về chỉ số PAPI.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt cho biết: "Tôi đã từng trực tiếp gọi điện thoại cho bốn cán bộ cấp huyện và năm cán bộ cấp xã để hỏi về chỉ số PAPI, nhưng chỉ có hai trong chín người được hỏi biết đến chỉ số này. Tiếc là những người biết cũng chỉ hiểu rất qua loa, đại khái".

Trên thực tế, đến cuối năm 2017, Hà Nội mới chỉ có 19 trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã và 13 trong số 24 sở, cơ quan tương đương sở xây dựng kế hoạch triển khai cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, đạt 59,26%. Trong khi đó, chế độ thông tin, báo cáo tình hình thực hiện ở cả cấp huyện và sở, cơ quan tương đương sở chưa tốt (chỉ 5 trong số 54 đơn vị gửi báo cáo cuối năm, đạt 9,25%).

Ngày 23-7 vừa qua, TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học Cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Đây là hội nghị lớn mang tính chuyên đề về các chỉ tiêu PAPI đầu tiên của thành phố để giúp đại diện chính quyền cấp huyện, cấp xã nhìn nhận, phân tích những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện để có hướng khắc phục kịp thời. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng là vậy, nhưng thành phần tham dự ngoài các nhà chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, thiếu vắng nhiều lãnh đạo các sở, ngành, cũng như người đứng đầu các quận, huyện (?).

TS Bùi Phương Đình, Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI tại Hà Nội cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Thành ủy. Quá trình triển khai cần tập trung cải thiện thực chất hiệu quả quản trị cấp tỉnh, chứ không nên cải thiện chỉ số điểm, bởi như vậy sẽ rất dễ rơi vào bệnh thành tích. Đồng thời nên có một bộ chỉ số đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường rèn luyện kỹ năng làm việc cho cán bộ gắn với thực tiễn và tập trung hướng về cơ sở, lấy người dân là trung tâm phục vụ. Cũng có ý kiến cho rằng, để nâng cao chỉ số PAPI, Hà Nội cần thực hiện tập trung, đột phá ngay từ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn bởi có đến 70% số lượt thực hiện thủ tục hành chính của người dân diễn ra ở cấp này.

Chỉ số PAPI đang là vấn đề được các cấp, các ngành của TP Hà Nội quan tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi thành phố sẽ thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị theo hướng xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, nâng cao tính minh bạch trong quản lý của chính quyền. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nhanh chóng khắc phục những bất cập, chỉ số PAPI sẽ là động lực để lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của TP Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công với mục tiêu phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước. Và Thủ đô Hà Nội - một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ sớm thoát khỏi vị trí nhóm cuối trong bảng xếp hạng chỉ số PAPI những năm tới nếu cả hệ thống chính trị và từng cán bộ, công chức của Hà Nội cùng quyết tâm nhanh chóng bắt tay thực hiện thành công mục tiêu này.

(*) Xem trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra ngày 6-8-2019.