Nỗ lực cải thiện chỉ số PAPI

Với mỗi địa phương, hiệu quả hoạt động của chính quyền thể hiện qua sự hài lòng của người dân và là yếu tố quan trọng để hấp dẫn các nhà đầu tư. Dù đã có nhiều cố gắng, song mười năm qua TP Hà Nội vẫn luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có xếp hạng Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thấp nhất. Thực tế trên đòi hỏi thành phố cần có những giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt hơn để tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ, góp phần hiệu quả vào việc phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Bài 1: Loanh quanh nhóm cuối

Những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều quyết sách quan trọng để đổi mới, nâng cao hiệu q

Người dân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Sơn Tây. Ảnh: ÐĂNG ANH
Người dân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Sơn Tây. Ảnh: ÐĂNG ANH

Chỉ số PAPI giảm dần đều

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước được Trung tâm nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) lựa chọn khi tổ chức chấm thí điểm chỉ số PAPI tại Việt Nam. Dù được chọn để đánh giá từ năm 2009, song dường như cơ hội này chưa được thành phố tận dụng và phát huy, để biến thành lợi thế trong quá trình thực hiện. Hãy cùng nhìn lại kết quả chỉ số PAPI của Hà Nội từ năm 2011 đến nay, khi PAPI đã được điều tra trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Xếp hạng Chỉ số PAPI được chia theo bốn nhóm: Cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp và thấp nhất. Theo thống kê, năm 2011, chỉ số PAPI của Hà Nội đạt 36,4 điểm, chỉ số thành phần 61%, đứng thứ 20 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2012, Hà Nội tụt xuống thứ 26, năm 2013 tiếp tục xuống thứ 28 và năm 2014 thành phố tụt hẳn 13 bậc, xếp thứ 41. Vẫn trên đà tụt giảm, năm 2015, Hà Nội đứng thứ 50. Năm 2016 tiếp tục tụt xuống tám bậc, xếp thứ 58. Liên tiếp trong hai năm 2017, 2018, Hà Nội giữ vị trí thứ 56. Ðiều đáng nói, trong năm 2018, PAPI đã bổ sung thêm hai chỉ số nội dung là: Quản trị điện tử và Quản trị môi trường, song do hai chỉ số này của Hà Nội đều đạt thấp, cho nên các chỉ số thành phần của Hà Nội tụt xuống còn 53 điểm (thấp nhất trong các năm). Nếu so trong nhóm năm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Cần Thơ), thì Hà Nội có tổng số điểm và thứ bậc xếp hạng thấp nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội phân tích: Giai đoạn từ năm 2011 đến 2018, chỉ số PAPI của Hà Nội có dấu hiệu giảm dần đều qua các năm, cả về chỉ số, thứ hạng và vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số thấp nhất. Trong đó, nổi lên một số chỉ số mà thành phố cần lưu ý. Về chỉ số tham nhũng khu vực công ở địa phương, Hà Nội nằm trong nhóm 14 tỉnh, thành phố có điểm thấp nhất; đối với lĩnh vực chất lượng dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hà Nội cũng nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm thấp nhất. Ðáng chú ý, chỉ số hiệu quả quản trị môi trường của Hà Nội xếp thấp thứ hai của cả nước; việc công khai thu, chi ngân sách của xã, phường cũng chưa cao (đạt 36,81%).

Chậm triển khai

Năm 2019 là tròn mười năm chỉ số PAPI do UNDP phối hợp cùng một số đơn vị trong nước độc lập thực hiện và công bố. Dù là một trong số ít địa phương được chấm điểm đầu tiên, nhưng trong khoảng ba năm trở lại đây, TP Hà Nội mới thật sự chú ý đến chỉ số này.

Vào tháng 4-2017, khi chỉ số PAPI năm 2016 được công bố, Hà Nội xếp thứ 58 trong số 63 tỉnh, thành phố, Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Hà Nội đã có cuộc họp gấp bàn về nội dung này. Ðây gần như là động thái đầu tiên, mạnh mẽ nhất của TP Hà Nội với quyết tâm từng bước nâng cao chỉ số PAPI. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thẳng thắn chỉ rõ: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 mới tăng thêm 10 bậc, thành phố vừa phấn khởi, thì có kết quả xếp hạng chỉ số PAPI ở nhóm cuối cùng. Việc chấm điểm đưa ra những tín hiệu để tự đánh giá, tự chấn chỉnh và phải khắc phục. Việc này đòi hỏi phải bóc tách từng nội dung để xem xét, đánh giá, đòi hỏi việc cải cách phải thực chất hơn. Trong đó, thước đo duy nhất là mức độ "phục vụ dân" phải tốt hơn.

Ðể cải thiện tình hình, tháng 7-2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND "Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Hà Nội". Trong đó, thành phố phấn đấu vươn lên trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao (40 điểm trên tổng điểm 60).Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa đáp ứng sự mong đợi khi điểm tổng hợp chỉ số PAPI năm 2017 của Hà Nội mới đạt 34,63 điểm và vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp thấp nhất. Bên cạnh đó, các chỉ số thành phần của nội dung "thủ tục hành chính công" mà thành phố nỗ lực quyết tâm cải thiện đều tụt giảm. Người dân vẫn còn nhiều điểm không hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đất đai, xây dựng.

Ông Trần Lê Nam (ở phường Nghĩa Ðô, quận Cầu Giấy) phản ánh: Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi yêu cầu cắm biển hiệu cấm dừng, cấm đỗ để bảo đảm trật tự giao thông. Tuy nhiên, có trường hợp, từ thời điểm đề xuất đến khi thực thi, mất tới ba năm. Có những công trình xây dựng sai phép trên địa bàn Hà Nội như nhà 8B phố Lê Trực, quận Ba Ðình đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong những trường hợp này ở đâu?

Trong các năm 2018, 2019, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của thành phố với mục tiêu phấn đấu chỉ số PAPI xếp ở nhóm trung bình. Quyết tâm của thành phố đã rõ, và việc triển khai ở cơ sở đã dần có những chuyển biến khả quan, song vẫn không tránh khỏi chậm trễ, lúng túng.

(Còn nữa)