Những ô cửa thời gian

Quán cà-phê vắng vẻ, chủ và khách vốn đã quá quen, không cần hỏi đáp, ân cần gì thì cũng đã rõ sở thích và thức uống khách cần.

Khu nhà tập thể cũ ở Hà Nội. Ảnh: PHẠM HÙNG
Khu nhà tập thể cũ ở Hà Nội. Ảnh: PHẠM HÙNG

Vừa phục vụ, vừa “tán” chuyện thay câu chào hỏi: - Hôm qua, khu nhà tập thể bên kia suýt thì cháy to chị ạ. Những khu nhà tập thể cũ kiểu này dễ xảy ra cháy, nổ lắm, hàng xóm kế bên cũng thấy lo lo…

Lại nhớ hôm con gái vừa về liền khoe với mẹ, nay con về thăm khu nhà cũ. Bây giờ khác lắm rồi, người ta cơi nới ban công làm thành quán cà-phê nhỏ, xinh rất phong cách. Nhưng con nghe nói, sắp có dự án cải tạo khu nhà mình thành khu chung cư mới, tiếc quá mẹ nhỉ….

Bản thân cũng tiếc, nhưng cuộc sống vốn thế, quá trình phát triển luôn tồn tại mâu thuẫn, bất cập giữa cũ và mới. Những khu tập thể cũng vậy, qua thời gian, khi nhu cầu ngày một tăng theo số dân cư ngụ, nó đã “cõng” quá khả năng vốn có. Sự quá tải, nhếch nhác là không tránh khỏi và cần được đổi thay để đáp ứng và phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của cuộc sống thời hiện đại. Nhưng với những ai từng gắn bó với những khu nhà như thế, tôi gần như có thể chắc một điều, đó sẽ là năm tháng kỷ niệm nhiều khó khăn nhưng cũng thật khó quên. Và vì thế, nhìn những khu nhà xập xệ lẫn trong các tòa cao ốc hiện đại mới mọc lên, bỗng như lạ như quen, như muốn níu giữ điều gì không rõ nữa...

Những khu tập thể cũ ở Hà Nội qua hàng chục năm đã trở thành một phần ký ức trong quá trình phát triển đô thị, cũng như đối với một bộ phận gia đình cán bộ, công chức nghèo. Hình ảnh những khu chung cư cũ kỹ với những mảng tường vôi ve mầu vàng bong tróc, rêu mốc, những ban công, “chuồng cọp” vừa treo hoa, cây cảnh, vừa mắc đủ loại dây phơi. Những cái “ba-lô” đa năng chênh vênh “đeo” trên các tầng nhà gần như là hình ảnh không thể thiếu. Qua nhiều thập kỷ, những khu tập thể cũ đã thay đổi nhiều, nhưng vẫn ghi dấu nhịp sống rất riêng của một bộ phận cư dân Hà Nội. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, những khu chung cư như thế đã được xây dựng tập trung ở bốn quận nội thành.

Cư dân trong mỗi khu đều là người cùng cơ quan, đơn vị. Thời kỳ khó khăn, mối liên hệ đó làm cho tình cảm láng giềng thêm gần gũi, thân thiết, tối lửa, tắt đèn có nhau. Ai ở trong những khu nhà ấy mà không từng xách xô đi xin nước, vay gạo nhà hàng xóm. Nhiều thế hệ với đủ các thành phần nghề nghiệp đã sinh ra lớn lên trong những khu quần cư như thế. Tuổi thơ cùng học, cùng chơi những trò trẻ con nhiều khi là oái oăm, quanh khu sân chung hay bể nước công cộng… khiến cho khi lớn lên, dù đi xa, đi lâu, họ vẫn không quên ký ức của Hà Nội một thời.

Khi đọc cuốn sách Quân khu Nam Đồng của tác giả Bình Ca, nếu ai từng có một thời gắn bó với khu tập thể cũ sẽ như thấy mình đâu đó trong hồi ức của những nhân vật đã qua tuổi ngũ tuần. Những đứa trẻ ngỗ nghịch nhưng nghĩa khí ngày nào, nay đều đã lên ông, lên bà, đã đi khắp mọi nơi, thi thoảng lại tụ về đây, cùng ôn nghèo kể khổ, cùng nhớ lại những năm tháng ăm ắp kỷ niệm ở khu gia binh lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ. Mấy ai trong họ quên được những đêm trăng sáng, cả đám trẻ quây lại ở cái sân chung, bàn chuyện “xưng vương”, đi đòi “công lý”. Trẻ con mải chơi, thích đá bóng, nhưng phải lo hứng đủ mấy xô nước theo lời người lớn dặn thì đã lỡ trận bóng rồi. Và cả chuyện tắm trộm trong bể nước dùng chung của cả khu, bị bắt quả tang…

Những gia đình trong khu tập thể thời chiến tranh, người cha thường đi công tác xa, ở nhà chỉ có mẹ với bộn bề lo toan, và vì thế tình nghĩa láng giềng càng trở nên gắn bó.

Và mới đây, một nhóm tác giả, thành viên nhóm ký họa Urban Sketchers Ha Noi, viết có, vẽ có, cũng với những ký ức thuở nào đã tổ chức triển lãm, tập hợp các bài viết, ký họa và in thành sách tựa đề Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức. Chuyện kể bằng tranh, bằng thơ, bằng hồi tưởng sinh động mà giản dị, khơi nhớ đến cồn cào, như ai đó đã viết: “Nhớ hành lang hẹp/Nơi ta đứng chờ/Con vừa đi học/Ai về như mơ...”.