Kinh tế - xã hội Thủ đô 5 tháng đầu năm

Nhiều kết quả khả quan

Trong 5 tháng đầu năm, kinh tế Thủ đô tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng nhờ các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Những kết quả khả quan ấy là lực đẩy quan trọng để thành phố hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2018.

Công nhân Công ty CP May Sơn Hà kiểm tra chất lượng sản phẩm áo sơ-mi. Ảnh: ÐĂNG ANH
Công nhân Công ty CP May Sơn Hà kiểm tra chất lượng sản phẩm áo sơ-mi. Ảnh: ÐĂNG ANH

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, các chỉ số tăng trưởng kinh tế chủ yếu 5 tháng đầu năm nay của thành phố đều cao hơn cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,8%, cao hơn mức tăng 5,9% của cùng kỳ năm 2017. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 983 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%, cao hơn mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng qua, thành phố đã thu hút 860 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, cấp mới 225 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới 529,2 triệu USD. Các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 27 dự án, tổng mức đầu tư đạt 27 nghìn tỷ đồng; có 13 dự án điều chỉnh quy mô vốn, tăng 1,98 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 92,4 nghìn tỷ đồng, đạt 38,8% dự toán... Ngành du lịch tiếp tục giữ đà tăng trưởng mạnh, là kết quả của nhiều chương trình xúc tiến và quảng bá du lịch trong thời gian qua; lượng khách quốc tế đến Thủ đô trong 5 tháng đầu năm đạt 1,92 triệu lượt, tăng 27,3% cùng kỳ năm trước.

Công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo toàn diện, vừa xúc tiến kêu gọi các dự án mới, vừa đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Các chỉ số tổng hợp về năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính năm 2017 tiếp tục tăng hạng, giữ vị trí cao so với các tỉnh, thành phố; chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng vị trí 13 (tăng một bậc); chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) đứng vị trí thứ hai trong số 63 tỉnh, thành phố (tăng một bậc). Về công tác an sinh xã hội, ước tính đến hết tháng 5, thành phố giải quyết việc làm cho 89 nghìn người, đạt 58,5% kế hoạch năm, bằng cùng kỳ năm 2017; xét duyệt vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 578 tỷ đồng, tạo việc làm cho 21.900 lao động. Thành phố đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ ưu đãi cho khoảng 15.500 trường hợp người có công. Bố trí kinh phí bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay theo Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy số tiền 250 tỷ đồng và cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2 số tiền 101,15 tỷ đồng trong năm 2018. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 296.370 người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH); tiếp nhận 261 đối tượng BTXH và người lang thang vào nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH...

Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện. Thành phố đã ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch rà soát, đánh giá, kiểm soát, kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2018 trên địa bàn; thông qua phương án đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính thuộc bảy lĩnh vực quản lý nhà nước; công bố một số thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế của Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế. Ðến nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành thuộc thành phố là 1.915 thủ tục.

Từ nay đến cuối năm, thành phố tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp giải quyết thủ tục hành chính liên thông, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức. Ðổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

Thành phố cũng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào các chỉ số còn thấp, trọng tâm là trong các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kết nối cung - cầu, hỗ trợ giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh. Ðẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Tại hội nghị giao ban tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung yêu cầu, thời gian tới các ngành, địa phương phải đôn đốc công tác giải ngân trong xây dựng vì hiện nay tiến độ giải ngân đang rất chậm. Lãnh đạo thành phố sẽ kiểm tra, rà soát tất cả các thủ tục, tập trung cải cách các thủ tục của từng dự án, đơn vị nào chậm thì phải chịu trách nhiệm. Về công tác giải phóng mặt bằng, các cấp, ngành cần rà soát, báo cáo để đôn đốc. Các ban quản lý dự án cần nâng cao chất lượng quá trình chuẩn bị các hồ sơ của dự án. Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ khẩn trương đôn đốc việc sắp xếp lại tổ chức các trung tâm, phòng y tế cấp quận, huyện; sắp xếp tổ chức các ban quản lý, các đơn vị sự nghiệp công; tiếp tục rà soát, rút ngắn và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp.