Nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn vệ sinh thực phẩm

Từ năm 2017, Hà Nội bắt đầu thí điểm triển khai các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Qua đó, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã sạch sẽ, vệ sinh hơn, công tác kiểm soát thực phẩm được siết chặt hơn. Thành phố đang tiếp tục nhân rộng mô hình này ra nhiều tuyến phố hơn trong năm nay.

Dài khoảng 800 m nhưng phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) tập trung tới 35 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ khoảng hơn 5.000 lượt khách/ngày. Từ tháng 9-2018, tuyến phố này được quận Cầu Giấy chọn làm thí điểm tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Trần Thị Thu Hương kể lại, thời gian đầu triển khai kế hoạch, nhiều chủ cơ sở, cửa hàng ăn uống chưa ủng hộ. Do lâu nay, họ quen giao dịch với các cơ sở cung cấp nguyên liệu mà không cần đến hóa đơn, chứng từ, sổ sách theo dõi theo đúng quy định. Nhiều cửa hàng chưa bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm tại khu vực sơ chế, quá trình chế biến thực phẩm chưa bảo đảm vệ sinh, chưa thực hiện quy trình thực phẩm một chiều. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân còn chưa đầy đủ, người bán chưa tự giác chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, người mua còn dễ dãi, trong lựa chọn cơ sở kinh doanh.

Do đó, chính quyền phường Dịch Vọng Hậu đã phối hợp Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm quận Cầu Giấy tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm cho chủ các cơ sở kinh doanh, người tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, tư vấn để nhắc nhở, xử lý các hộ vi phạm. Những hộ kinh doanh vi phạm nhiều lần bị phê bình công khai trên hệ thống loa truyền thanh phường.

Nhờ những giải pháp trên, đến nay, tất cả các cửa hàng ăn uống ở tuyến phố này đều đã được kiểm soát, bảo đảm mười tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Những người bán hàng đã thay đổi nhận thức trong hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm. Khu chế biến, khu bảo quản thực phẩm chín, sống được tách riêng. Quá trình nhập nguyên liệu, chế biến thực phẩm và sau chế biến được ghi chép hằng ngày. Sở Y tế đã trực tiếp khảo sát, kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống tại đây, đến nay không có vi phạm nào phải xử lý.

Quận Long Biên cũng có ba tuyến phố gồm: Nguyễn Sơn, Việt Hưng và Chợ Ẩm thực Ngọc Lâm được lựa chọn để tập trung triển khai mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Ðại diện quận Long Biên cho biết, để có sự đồng thuận của chủ các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố, các phường đã tổ chức hội nghị phổ biến về mục đích, nội dung, tiêu chí của mô hình tới chủ các cơ sở kinh doanh và tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện. Qua triển khai, các tuyến phố trên đã có sự thay đổi rõ rệt. Các nhà hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống khang trang, đạt các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và văn minh thương mại.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, sau một năm triển khai thí điểm tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát ở tám quận, huyện đã có 94,69% các cơ sở dịch vụ ăn uống niêm yết công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn gốc thực phẩm. 85,5% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng và tất cả các cơ sở đều sử dụng nguồn nước sạch. Năm 2019, thành phố sẽ tiếp tục triển khai 14 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát tại 12 quận, huyện và nâng cao chất lượng các bếp ăn tập thể, góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

Tuy nhiên, quá trình nhân rộng các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, thực tế trong quá trình triển khai tại tám quận, huyện cho thấy, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất. Nguyên liệu chế biến thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố chưa rõ nguồn gốc. Việc cập nhật phiếu giao nhận thực phẩm chưa được tiến hành thường xuyên, việc ghi chép vào sổ nguồn gốc nguyên liệu chưa đầy đủ. Chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, cán bộ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chỉ tiếp cận được với nhân viên bán hàng.

Để việc tổ chức tuyến phố an toàn vệ sinh thực phẩm có kiểm soát tốt hơn nữa trong thời gian tới, công tác chuẩn bị, rà soát cần được thực hiện kỹ lưỡng, cần cân nhắc kỹ để chọn đúng tuyến phố phù hợp, cơ sở vật chất phải bảo đảm khang trang. Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức chuyên môn cho cán bộ cơ sở, bộ phận tham mưu. Ðồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm phải được thực hiện cả định kỳ và đột xuất để phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.