Nâng tầm giáo dục Thủ đô

Là địa phương nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về công tác giáo dục và đào tạo, nhưng chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, lĩnh vực này cần được quan tâm nhiều hơn để chất lượng nguồn nhân lực của thành phố ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Giờ học làm quen với máy tính của học sinh Trường tiểu học chất lượng cao khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên. Ảnh: ĐĂNG ANH
Giờ học làm quen với máy tính của học sinh Trường tiểu học chất lượng cao khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên. Ảnh: ĐĂNG ANH

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 2.713 trường mầm non, tiểu học, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với gần hai triệu học sinh và 155.323 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Bên cạnh đó còn có 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên với gần 28 nghìn học sinh; 520 cơ sở giáo dục ngoài công lập và tám trường công lập tự chủ với tổng số học sinh 256.155 người. Quy mô giáo dục liên tục phát triển, mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường. Năm học 2018 - 2019, các quận, huyện, thị xã đã xây và thành lập mới 70 trường các cấp. Thành phố đã cải tạo, sửa chữa 387 trường học với hơn năm nghìn phòng học. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng vượt chỉ tiêu, đạt 150% kế hoạch, với 120 trường được công nhận. Thành phố hiện có 18 trường chất lượng cao, trong đó có 13 trường công lập và năm trường ngoài công lập.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết thêm, năm học vừa qua, thành phố tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, giữ vững chất lượng giáo dục đại trà và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Hà Nội khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo, giành nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Công tác hội nhập quốc tế, tiệm cận chất lượng giáo dục trong khu vực và trên thế giới cũng được ngành quan tâm. Trong hai năm 2017 và 2018, Hà Nội đã thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc; Chương trình song bằng THCS (cấp chứng chỉ IGCSE của Anh quốc) tại bảy trường THCS trên địa bàn, nhận được sự ủng hộ của các nhà trường, phụ huynh và học sinh. Đồng thời, tổ chức các kỳ thi Toán học với sự tham dự của đông đảo học sinh quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác hội nhập giáo dục.

Tuy nhiên, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng thừa nhận, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố hiện còn nhiều khó khăn, bất cập. Mạng lưới trường học phân bố chưa đồng đều, số trường mới chủ yếu tập trung tại khu vực ngoại thành, cho nên vẫn xảy ra tình trạng quá tải học sinh tại một số khu vực trung tâm. Nhiều lớp sĩ số lên đến hơn 60 học sinh, cho nên chưa bảo đảm chất lượng dạy và học. Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, số học sinh đã tăng 41%, nhưng số phòng học chỉ tăng 35%. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, công nhận lại trường chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện còn 96 trường chậm tiến độ trong việc được công nhận lại là trường chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất trường học nhiều nơi còn chưa phục vụ tốt nhu cầu dạy và học, nhưng thiếu đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Công tác cán bộ còn nhiều bất cập. Tại nhiều trường, giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều môn, thiếu các vị trí như nhân viên y tế, kế toán, giáo viên tâm lý học… dù các vị trí này rất quan trọng trong hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc liên quan đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Liên quan đến quản lý tài chính, tại một số đơn vị, việc triển khai thực hiện quy trình vận động, tiếp nhận tài trợ chưa đúng; còn xảy ra tình trạng lạm thu, công tác xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Để khắc phục những bất cập này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiến nghị thành phố phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm đáp ứng đủ trường, lớp và nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2030, mỗi quận, huyện, thị xã có một trường học được xây dựng theo hướng chuẩn, hiện đại, đạt diện tích bốn héc-ta đến năm héc-ta. Đồng thời, quan tâm, nâng mức đầu tư để xây dựng các trường khang trang, hiện đại hơn. Phấn đấu đến năm 2025, có tất cả các trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ, cho phép bố trí cán bộ chuyên trách về y tế, tài chính kế toán, có chuyên môn làm công tác tư vấn tâm lý tại các trường phổ thông…

TRONG thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ tiếp tục rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp, phối hợp các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên, đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, những tiến bộ khoa học vào quản lý và giảng dạy để nâng tầm chất lượng giáo dục Thủ đô. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các điều kiện để giáo dục và đào tạo hội nhập quốc tế; kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, trình độ của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh theo chuẩn quốc tế. Sở cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong ngành giáo dục tại các cơ sở giảng dạy trên địa bàn, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu theo đúng quy định.