Nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại

Sáu tháng đầu năm 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để tiêu thụ, trà trộn hàng lậu, hàng giả ra thị trường, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Ðội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội thu giữ giày dép không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: THANH HẢI
Ðội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội thu giữ giày dép không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: THANH HẢI

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội (BCÐ 389 thành phố) thời gian qua, hàng lậu, hàng cấm vẫn tiếp tục được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới, cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đưa vào tiêu thụ trong nước. Ðáng lưu ý, các đối tượng đã liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường và phương tiện vận chuyển... để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Trước đây, các đối tượng buôn lậu thường sử dụng đường bộ để vận chuyển hàng lậu, hàng giả, nhưng nay, các tuyến đường hàng không, đường chuyển phát của bưu điện... cũng "nóng" không kém. Phó Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Dương Thái cho biết, qua tuyến đường hàng không, các đối tượng thường giấu hàng theo người hoặc trong hành lý, không khai báo hải quan khi xuất nhập cảnh, lợi dụng các định mức miễn thuế, quy định về hàng quà biếu, quà tặng... để vận chuyển trái phép hàng lậu. Chúng thường tập trung vào các mặt hàng nhỏ, nhẹ, giá trị cao, dễ cất giấu như thuốc lá, xì gà, điện thoại di động, mỹ phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng... Các đối tượng thường chia nhỏ số lượng hàng hóa, gửi về nhiều địa chỉ khác nhau. Chúng còn sử dụng cả đường vận chuyển bưu điện nhưng khai sai tên hàng, chủng loại để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan.

Với các mặt hàng như nguyên liệu sản xuất, máy móc thiết bị, hàng công nghệ thực phẩm, hàng tiêu dùng..., các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển bằng đường thủy từ Hải Phòng về Hà Nội. Do phương tiện vận chuyển bằng công-ten-nơ, mở tờ khai từ Hải Phòng hoặc được chuyển tiếp kiểm tra hàng hóa tại Hà Nội cho nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn hơn các tuyến vận chuyển khác. Ðể kiểm soát nguồn hàng hóa này đòi hỏi phải có thông tin chính xác và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng với lực lượng hải quan. Ðáng lưu ý, hàng nhập lậu được hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Cùng với hàng lậu thì hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu cũng đang tràn lan trên thị trường. Không chỉ sản xuất trong nước, các đối tượng còn cấu kết, móc nối với các cá nhân, tổ chức nước ngoài, làm giả, in ấn bao bì nhãn mác giả từ nước ngoài rồi vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra bảy cơ sở kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), phát hiện, thu giữ gần 3.000 sản phẩm thời trang giả mạo các thương hiệu Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton, Gucci...

Kiên trì đấu tranh

Cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, sáu tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã tăng cường công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần kiềm chế hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Cụ thể, các lực lượng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 12.967 vụ; xử lý hành chính 11.199 vụ, khởi tố hình sự 89 vụ đối với 11 đối tượng, phạt hành chính, truy thu thuế… gần ba nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác này còn gặp không ít khó khăn. Các cấp, các ngành chức năng đã quan tâm hơn nhưng có nơi còn thiếu đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Một bộ phận lực lượng chức năng còn chưa chuyên sâu về nghiệp vụ; trang bị phương tiện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Việc phối hợp giữa các đơn vị đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên đôi lúc chưa có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt và kịp thời ở một số vụ việc và thời điểm. Ðáng lưu ý, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng; còn có kẽ hở để các đối tượng lợi dụng hoạt động.

Những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhất là dịp Tết Trung thu, khai giảng năm học mới, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Ðây cũng là khoảng thời gian các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, tập kết hàng hóa, nguyên liệu phục vụ gia công sản xuất. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Trưởng BCÐ 389 thành phố yêu cầu các sở, ngành thành viên và BCÐ 389 các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh hoạt động phối kết hợp liên ngành, địa phương trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả. Cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; nâng cao hơn nữa công tác đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp thực tế liên quan công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nhất là các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.