Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp

Với sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, thực hiện phân công nhiệm vụ theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền trên địa bàn Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã có những chuyển biến tích cực, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa UBND quận Thanh Xuân. Ảnh: DUY LINH
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa UBND quận Thanh Xuân. Ảnh: DUY LINH

Những cách làm sáng tạo

Chiều 7-10 vừa qua, UBND quận Cầu Giấy ra mắt chuyên trang tọa đàm trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của quận. Định kỳ mỗi tháng một lần, quận sẽ tổ chức tọa đàm theo các lĩnh vực chuyên đề được người dân và xã hội quan tâm. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà, chuyên trang tọa đàm trực tuyến được coi là một kênh kết nối trực tiếp giữa nhân dân và chính quyền, nhằm tăng cường hơn nữa tính tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Quận đã yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục mở rộng các hình thức tọa đàm trực tuyến trên các nền tảng công nghệ thông tin như vi-đê-ô, mạng xã hội, thiết bị thông tin để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, tham gia các buổi tọa đàm.

Để kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, trước đó, UBND quận Cầu Giấy cũng đã chỉ đạo lập ba tài khoản: “Quận Cầu Giấy - Thủ đô Hà Nội”, “Vì quận Cầu Giấy xanh - sạch - đẹp”, “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quận Cầu Giấy” trên mạng xã hội Facebook. Qua đó, chính quyền phường và quận đã tiếp nhận, xử lý kịp thời nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân, góp phần giải quyết vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở, giúp giảm tải việc giải quyết đơn thư theo quy định.

Tại quận Thanh Xuân, UBND quận đã công khai số điện thoại của lãnh đạo để có thể nhận trực tiếp phản ánh của người dân. Với những nội dung thuộc thẩm quyền, chức năng, quận sẽ mời công dân đến để ghi nhận, tiếp thu và giải quyết. Bên cạnh đó, Thanh Xuân cũng là quận tích cực tổ chức các buổi đối thoại với người dân về nhiều lĩnh vực khác nhau như cải cách thủ tục hành chính, thuế… Với các cách làm công khai, trực tiếp, quận đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, xử lý công việc, đồng thời phát huy vai trò theo dõi, giám sát của công dân tại cơ sở. Chỉ tính riêng chín tháng của năm 2020, UBND quận đã tiếp nhận và trả hơn 28 nghìn hồ sơ, không có hồ sơ chậm muộn, đáng chú ý có gần 2.000 hồ sơ trả trước hạn.

Ông Hoàng Tuấn (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) nhận xét: Tôi thấy không chỉ ở riêng quận Thanh Xuân, mà tại các bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính trên địa bàn Thủ đô đều khang trang, cán bộ công chức phục vụ người dân chuẩn mực. Một số công chức có hành vi sách nhiễu, cử chỉ không đúng mực khi tiếp công dân đã bị xử lý, tạo niềm tin trong nhân dân.  Hằng năm, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đều được chấm điểm, xếp hạng cụ thể về chỉ số cải cách hành chính cũng là một cách làm hay, tạo động lực đổi mới, sáng tạo.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

Nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát. Năm 2019, Ban Dân vận Thành ủy phối hợp Ban Cán sự đảng UBND thành phố làm việc, khảo sát tại sáu sở, ngành và một số quận, huyện về kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, trọng tâm là công tác cải cách hành chính và ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Từ năm 2016 đến nay, Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố đã tiến hành 238 cuộc kiểm tra cải cách hành chính, tập trung vào việc thực hiện quy chế làm việc, quy trình công tác, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Theo đánh giá của Sở Nội vụ, việc kiểm tra đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết công việc đối với người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, từng bước chuẩn hóa đội ngũ và có sự chuyển biến về tư duy, phong cách làm việc, trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân.

Đáng chú ý, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành hơn 14 nghìn cuộc giám sát. Chánh Văn phòng HĐND thành phố Hà Nội Lê Minh Đức cho biết: HĐND thành phố luôn tích cực giám sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, khó khăn của cơ sở khi triển khai để kịp thời điều chỉnh, để nghị quyết phát huy hiệu quả cao nhất khi vào đời sống. HĐND thành phố sẽ tiếp tục tập trung giám sát một số vấn đề dân sinh bức xúc qua nắm bắt từ công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri và dư luận quan tâm nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của các cấp chính quyền.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính quyền, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và tận tụy phục vụ nhân dân. Cùng với đó, xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính và hành chính công, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.