Mở rộng chương trình đào tạo song bằng trong các trường phổ thông

Kết quả sau ba năm thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội cho thấy, đây là hướng đi đúng, cần được tiếp tục mở rộng, nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen tặng các trường phổ thông của Hà Nội có thành tích trong thực hiện thí điểm chương trình đào tạo song bằng.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen tặng các trường phổ thông của Hà Nội có thành tích trong thực hiện thí điểm chương trình đào tạo song bằng.

Nhìn lại quá trình triển khai thí điểm Đề án, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Đề án được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khởi xướng và chỉ đạo tổ chức thực hiện từ năm học 2017-2018. Các trường học thành lập hội đồng biên soạn chương trình giảng dạy tích hợp giữa chương trình học của Việt Nam và chương trình học của Cambridge; hướng dẫn biên soạn chương trình, thành lập các hội đồng thẩm định chương trình. Đồng thời, thành phố cũng hỗ trợ các trường chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên và các nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án.

Công tác tuyển sinh vào các trường có tổ chức thực hiện Đề án được thực hiện nghiêm túc; học sinh có nguyện vọng tham gia học chương trình song bằng phải tham dự qua nhiều vòng thi chung do Sở GD và ĐT Hà Nội chủ trì tổ chức. Tính đến nay, toàn thành phố có hai trường THPT và bảy trường THCS tham gia thí điểm với tổng số hơn 900 học sinh.

Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy Lê Kim Anh, đại diện cho bảy trường THCS triển khai đề án khẳng định, đề án đào tạo song bằng là cơ hội tạo ra sự đổi mới giáo dục, nhất là trong bối cảnh yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận học sinh trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay. Hiện tại, các trường vẫn luôn rà soát, tìm biện pháp cân bằng về thời lượng giữa chương trình đào tạo của Việt Nam và chương trình quốc tế nhằm tạo môi trường học tập phù hợp cho học sinh theo hệ song bằng. Được biết, kỳ thi lấy chứng chỉ IGCSE đầu tiên của Đề án đào tạo chương trình song bằng cấp THCS được thực hiện cho khối 9 vào năm học 2021-2022, dự kiến tổ chức vào tháng 6-2022.

Cô giáo Lê Mai Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) cho biết, nhà trường xác định việc triển khai chương trình song bằng là nhiệm vụ quan trọng, đặt nền móng và tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục. Là trường đầu tiên của Hà Nội tổ chức thí điểm, tập thể giáo viên nhà trường nhận thức rõ cần khắc phục khó khăn ban đầu để hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước. Cô giáo Lê Mai Anh cho biết thêm, khóa học sinh đầu tiên của trường dự thi AS tháng 6-2019 vừa qua đã đạt kết quả rất đáng khích lệ với số học sinh đạt điểm B trở lên đạt 83%, trong khi tỷ lệ này trên hệ thống toàn cầu chỉ đạt 41,6%. Hiện nay, học sinh hệ song bằng khóa 1 đang rất tích cực ôn tập với quyết tâm cao chuẩn bị kỳ thi A level vào tháng 11-2019.

Em Nguyễn Thị Mỹ Trân, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam chia sẻ: Hệ song bằng là một bước đột phá trong cách giảng dạy, học tập, giúp học sinh được tiếp cận với chương trình học tập tiên tiến và cơ sở vật chất hiện đại. Mặc dù còn một số khó khăn, nhưng nhờ có sự hỗ trợ của giáo viên, nỗ lực của bản thân, em đã dần thích nghi được với môi trường. Với em cũng như nhiều bạn học, đây chính là bệ phóng rất hoàn hảo trong việc tiếp cận với các chương trình giáo dục quốc tế sau phổ thông.

Đánh giá về chương trình song bằng của Hà Nội, Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, đây là hình thức du học tại chỗ, chủ động hơn trong việc tạo cho học sinh cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến trong điều kiện tốt nhất của trường công lập. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nêu ý kiến, khi triển khai chương trình cần chú ý làm thế nào để học sinh tăng thêm kiến thức nhưng không quá tải, tạo cho học sinh hứng thú học tập. Chương trình cần bảo đảm mục tiêu giáo dục Việt Nam song song với việc đáp ứng yêu cầu của chương trình nước ngoài. Các trường cần tiếp tục rà soát kỹ, làm gọn nhất về nội dung kiến thức, không để trùng lặp kiến thức, giúp học sinh giảm áp lực tối đa. Đặc biệt, Hà Nội cần bảo đảm liên thông giữa các cấp học. Hiện có vấn đề là có bảy trường THCS của Hà Nội tham gia Đề án, nhưng chỉ có hai trường THPT thực hiện chương trình này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, việc triển khai chương trình song bằng ở các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố đã tạo ra môi trường học tập có chất lượng, tiệm cận mô hình của các trường chuẩn quốc tế; giúp học sinh tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, đồng thời tạo hành trang cho học sinh tự tin bước vào các trường đại học quốc tế trong tương lai. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở GD và ĐT Hà Nội rà soát các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố có đủ điều kiện, báo cáo UBND thành phố để xem xét mở rộng việc thực hiện chương trình đào tạo song bằng vào năm học 2020-2021.