Lan tỏa tình yêu với cây sáo trúc

Hơn bảy năm qua, nghệ sĩ Lê Thái Sơn đã mở lớp dạy sáo, tiêu miễn phí cho hơn 300 người, góp phần giữ gìn nét văn hóa dân gian.
Nghệ sĩ Lê Thái Sơn mở lớp dạy sáo trúc cho trẻ em.
Nghệ sĩ Lê Thái Sơn mở lớp dạy sáo trúc cho trẻ em.

Cứ mỗi buổi chiều, căn nhà của nghệ sĩ sáo trúc Lê Thái Sơn nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Tô Hiệu (quận Hà Đông, Hà Nội) lại vang lên tiếng sáo, tiếng tiêu… Có khi réo rắt, có khi ngắt quãng, ngập ngừng, bởi các học viên của ông đều là những người nhập môn. Bước vào lớp học, nhìn cách ông ân cần, tỷ mỷ uốn nắn từng tư thế ngồi, dáng cầm, cách đánh nhịp cho từng học viên; nhìn những giọt mồ hôi và sự say mê của người học mới hiểu tại sao một lớp học từ thiện lại có thể duy trì lâu đến thế.

Sinh ra và lớn lên ở làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội), từ nhỏ, tiếng sáo trúc đã có sức hấp dẫn đặc biệt với cậu bé Sơn, để rồi, chính cây sáo mà người cha dành tặng đã chắp ước mơ cho ông từ thuở niên thiếu. Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Lê Thái Sơn nhập ngũ. Trong một buổi đơn vị sinh hoạt, tiết mục sáo “Bèo dạt mây trôi” của chiến sĩ Sơn khiến các đồng đội bất ngờ, thán phục. Từ đó trở đi, tiếng sáo của anh trở thành niềm động viên tinh thần và không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của đơn vị. Xuất ngũ, Lê Thái Sơn theo học bộ môn sáo trúc ở Trường Lý luận và Nghiệp vụ (nay là Trường đại học Văn hóa Hà Nội) trong hai năm 1969-1970. Sau khi ra trường, anh được phân công làm công tác văn hóa ở nhiều nơi. Những lần đi công tác ở các bản làng vùng núi đã hun đúc trong anh một tình yêu đặc biệt đối với loại nhạc cụ dân tộc này, đồng thời cũng thôi thúc ý định mở rộng phong trào chơi sáo.

Trăn trở truyền nghề cho thế hệ trẻ, năm 1991, ông Sơn bắt đầu tìm đến Trung tâm Văn hóa Hà Tây để dạy sáo miễn phí cho mọi người. Năm 2011, sau khi nghỉ hưu, ông chính thức mở lớp tại nhà. Vào những ngày thường, lớp học chủ yếu dành cho người lớn tuổi, còn cuối tuần, học viên phần đông là học sinh. Tất cả đều được hướng dẫn bài bản theo giáo trình mà ông tự biên soạn.

Với sự dìu dắt của nghệ sĩ Lê Thái Sơn, các học viên từ chỗ chưa có kiến thức về âm nhạc đã có thể thổi được hàng chục bài sáo ở nhiều thể loại. Bên cạnh việc học thổi sáo, các em nhỏ còn được thầy Sơn dạy về nếp sống, cách ứng xử. Cũng từ lớp học ấy đã đặt nền móng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, có nhiều học viên sau này thành đạt trên con đường nghệ thuật.

Càng gắn bó với tiếng sáo, nghệ sĩ Lê Thái Sơn càng trăn trở khi thấy các nhạc cụ dân tộc, trong đó có sáo trúc bị lấn át bởi các nhạc cụ điện tử. Thuở còn công tác, có khi ông xin nghỉ phép cả tháng đi khắp vùng núi Tây Bắc để học cho kỳ được cách thổi sáo của người dân tộc thiểu số. Trở về, ông lại miệt mài ngồi đục, giũa để cho ra đời những cây sáo có âm thanh độc đáo. Ông đã có nhiều thành công đối với tiếng sáo Mèo, sáo tiêu, sáo ngang…, sáng tạo loại sáo 10 lỗ và tiêu 9 lỗ để thể hiện những bản nhạc quốc tế.

Hàng chục năm qua, nghệ sĩ Lê Thái Sơn đã dành hết tình yêu, đam mê gìn giữ, phát huy những nét đặc sắc nhất của nhạc cụ dân tộc. Ở cái tuổi tóc bạc da mồi, nghệ sĩ Lê Thái Sơn vẫn kiên trì với từng buổi học, tận tình với từng học trò để tiếp tục truyền thụ tình yêu âm nhạc dân tộc cho mọi người…