Lan tỏa hình ảnh một thành phố năng động

Sau khi đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", Hà Nội ngày càng trở thành một Thủ đô năng động, tham gia ngày càng nhiều vào các hợp tác trong khu vực và quốc tế.

Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Ngoại giao, đại diện tổ chức UNESCO thực hiện nghi thức thả chim bồ câu mang thông điệp khát vọng hòa bình, thịnh vượng.Ảnh: DUY LINH
Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Ngoại giao, đại diện tổ chức UNESCO thực hiện nghi thức thả chim bồ câu mang thông điệp khát vọng hòa bình, thịnh vượng.Ảnh: DUY LINH

Danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" được tổ chức UNESCO trao tặng đã nhân lên niềm tự hào của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, thúc đẩy thành phố nghìn năm tuổi tiếp tục gìn giữ những truyền thống, bản sắc văn hóa quý báu, đồng thời cũng mang lại cho Hà Nội một giá trị riêng, một vị thế mới trong mắt bạn bè quốc tế.

Nắm bắt cơ hội ấy, 20 năm qua, Hà Nội đã tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác trên mọi lĩnh vực. Xác định công tác đối ngoại vừa để quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị, vừa góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài, Hà Nội đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới. Ðến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, Thủ đô của các nước; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín.

Thành phố Hà Nội được lựa chọn làm nơi tổ chức một số sự kiện quốc tế quan trọng. Hình ảnh một Hà Nội năng động, thân thiện đã đi sâu vào bạn bè năm châu, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Ông Ib-nu Ha-di - Ðại sứ nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam cho biết, kể từ tháng 2-2016, khi ông đến sống tại Hà Nội với vai trò đại sứ, thành phố này chưa bao giờ làm ông hết ngạc nhiên bởi sự phát triển nhanh chóng. Từ năm 2004, Hà Nội đã kết nghĩa với Thủ đô Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa và môi trường. Các đại biểu của cả hai thành phố đã đến thăm, hợp tác chặt chẽ dưới hình thức chia sẻ kinh nghiệm. Hai bên đã ký thỏa thuận về chương trình tham quan, trao đổi cấp chuyên viên trong chuyến thăm của phái đoàn chính quyền Gia-các-ta đến Hà Nội trong năm 2018. "Ðây là những bằng chứng cho thấy sự công nhận và đánh giá cao từ bạn bè quốc tế, bao gồm cả In-đô-nê-xi-a đối với TP Hà Nội" - ông Ib-nu Ha-di chia sẻ.

Không dừng lại ở việc tăng cường tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau với các nước trong khu vực và trên thế giới, Hà Nội luôn xác định ngoại giao phải gắn liền với phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, các hoạt động đối ngoại của thành phố đều gắn với kêu gọi xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch vào Hà Nội. Các cuộc tiếp xúc, hội đàm giữa lãnh đạo thành phố với các đối tác quốc tế thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, mở ra hướng hợp tác với những quốc gia hàng đầu thế giới về xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh, y tế, nông nghiệp công nghệ cao…

Thành phố cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư, như: Tọa đàm "Gặp gỡ Ca-na-đa"; "Tọa đàm về phát triển thành phố thông minh" với Bộ Thương mại Hoa Kỳ và 18 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thành phố thông minh và chính phủ điện tử. Ba năm liền (2016, 2017, 2018), thành phố tổ chức thành công hội nghị "Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển", mỗi hội nghị có sự tham gia của khoảng 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế. Tại hội nghị tổ chức năm 2018, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương hơn 17 tỷ USD), đạt mức cao nhất trong 30 năm thực hiện thu hút vốn FDI, đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về xúc tiến đầu tư. Gần đây, thành phố đã đón nhận nhiều dự án đầu tư lớn, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của Thủ đô, tiêu biểu như thỏa thuận với Tập đoàn Su-mi-tô-mô (Nhật Bản) về đầu tư hơn bốn tỷ USD xây dựng thành phố thông minh tại huyện Ðông Anh; thỏa thuận với Tập đoàn Fomula One đưa Giải đua xe Công thức 1 (F1) về Hà Nội; tiếp tục hợp tác với kênh truyền hình CNN quảng bá Hà Nội ra thế giới…

Công tác đối ngoại kinh tế góp phần quan trọng vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trung bình 7,41%/năm. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thị trường xuất khẩu của Hà Nội đã mở rộng ra 187 khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ…

Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động kinh tế đối ngoại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài, thành phố đang tiếp tục nỗ lực đổi mới chính sách theo hướng: Tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; ưu tiên trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ các nhà đầu tư hiện có mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Thành phố cũng tiếp tục hướng trọng tâm vào việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế liên đô thị, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ thông qua những bản ghi nhớ, chương trình, dự án hợp tác có ý nghĩa thiết thực về kinh tế - xã hội. Cùng đó, kết hợp giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, tăng cường mở rộng quan hệ thương mại, du lịch với các nước; tăng cường thu hút FDI, quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội đang trên đà phát triển và hội nhập thế giới…