Hạn chế phương tiện cá nhân

Làm thận trọng từng bước, không nóng vội

Ùn tắc giao thông tại Hà Nội diễn biến phức tạp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đòi hỏi thành phố cần có những giải pháp quyết liệt hơn.

TP Hà Nội hiện có hơn 7,6 triệu phương tiện các loại, trong đó có 740 nghìn xe ô-tô, 5,8 triệu xe máy, 150 nghìn xe máy điện, chưa kể các phương tiện tỉnh ngoài hoạt động tại đây.
TP Hà Nội hiện có hơn 7,6 triệu phương tiện các loại, trong đó có 740 nghìn xe ô-tô, 5,8 triệu xe máy, 150 nghìn xe máy điện, chưa kể các phương tiện tỉnh ngoài hoạt động tại đây.

Hai đề án: “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” và “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào các quận trung tâm” đang được khẩn trương xây dựng, hy vọng sẽ sớm đưa ra lời giải mang tính khả thi cho bài toán khó này.

Chỉ hạn chế khi đủ điều kiện

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), tính đến đầu năm 2019, trên địa bàn có hơn 7,6 triệu phương tiện các loại. Trong đó có 740 nghìn xe ô-tô, 5,8 triệu xe máy, 150 nghìn xe máy điện, chưa kể các phương tiện tỉnh ngoài hoạt động tại đây. Tốc độ gia tăng các loại phương tiện rất cao, trong đó ô-tô cá nhân tăng 16,15%/năm, xe máy tăng 7,66%/năm. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ ra: Về nguyên tắc tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện giao thông thay thế đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy, cơ quan này đề xuất Hà Nội xem xét dừng hoạt động xe máy, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân. Để bảo đảm yêu cầu nêu trên, đến năm 2030, Hà Nội cần đưa vào hoạt động tám tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến xe buýt, từ 15 đến 20 tuyến xe buýt nhỏ, từ 8.000 đến 10 nghìn xe đạp công cộng.

Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đưa ra hai phương án hạn chế xe máy theo ranh giới hành chính giữa các quận và phương án theo vành đai giao thông. Từ năm 2030, phương án hạn chế xe máy theo quận sẽ được triển khai ở 12 quận nội thành và năm huyện gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng. Khu vực này có 4,74 triệu người (chiếm 52% số dân toàn thành phố). Tuy nhiên, phương án này có nhiều hạn chế, như: công tác tổ chức giao thông sẽ khó khăn vì không có vành đai kỹ thuật bảo đảm đủ điều kiện; đồng thời khó khăn trong việc xây dựng bãi đỗ xe, điểm trung chuyển để kết nối.

Về phương án hạn chế xe máy theo đường vành đai, cơ quan nghiên cứu cho hay, đang được nhiều nơi áp dụng như ở Xin-ga-po, Luân Đôn (Anh), Quảng Châu (Trung Quốc)...

Trong số năm tuyến đường vành đai được xây dựng đến năm 2030, tuyến đường vành đai 3 đạt đầy đủ các chỉ tiêu để áp dụng chính sách hạn chế xe máy. Ông Phạm Anh Tuấn (Viện Chiến lược và Phát triển GTVT) phân tích, Hà Nội chỉ nên dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải công cộng đáp ứng được ít nhất 60,5% nhu cầu đi lại của người dân. Việc cấm xe máy được đề xuất thực hiện theo giờ và theo ngày trong tuần theo tuyến đường lựa chọn. PGS, TS Nguyễn Hồng Tiến (nguyên Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng) cho rằng, để thay hẳn thói quen đi lại của người dân từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng là một cuộc cách mạng.

“Để làm cuộc cách mạng này có hiệu quả đòi hỏi mỗi người dân cần có nhận thức đúng đắn, vì lợi ích chung; các cấp chính quyền cần ưu tiên đầu tư hơn nữa vào kết cấu hạ tầng, cải thiện và nâng cao năng lực để thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng”, ông Tiến chia sẻ. Đồng tình quan điểm này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nhận định, theo tốc độ phát triển này thì đến năm 2030, phạm vi hạn chế sẽ tới đường vành đai 3,5, vành đai 4. Cần phải xây dựng hệ thống vận tải công cộng để 80% số người dân tiếp cận được và điểm trung chuyển không quá 500 m.

Nghiên cứu kỹ trước khi thu phí

Về đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”, chuyên gia giao thông Đinh Thị Thanh Bình, giảng viên Trường đại học Giao thông vận tải cho rằng, đây là việc làm cần thiết. Đối tượng thu phí là ô-tô và phạm vi thu phí được xác định trên nguyên tắc theo đường vành đai khép kín. Việc lựa chọn vành đai nào cần dựa trên các kết quả đánh giá tác động và hiệu quả trong quá trình xây dựng đề án.

Bà Bình cho rằng, cần có kịch bản xác định rõ khu vực thu phí trong vành đai 1 hay vành đai 2 để tổ chức thu phí thuận tiện. Thí dụ, nếu thu phí 10 nghìn đồng/xe ô-tô con ở trong vành đai 3, thì phải tính được có bao nhiêu chuyến đi sẽ trả phí, bao nhiêu chuyến đi chọn cách đi vòng để né thu phí và bao nhiêu người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng để có phương án phù hợp.

Đại diện Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho rằng, đề án cần nghiên cứu đưa ra mức phí theo nguyên tắc nộp phí công bằng, phương tiện nào xả nhiều khí thải khi tham gia giao thông, tiêu thụ nguyên liệu nhiều hơn thì phải nộp phí cao hơn. Phạm vi thu phí cũng cần được nghiên cứu kỹ, muốn đưa ra được phạm vi thu phí cần chỉ rõ khu vực hay phạm vi thường xuyên bị "ùn tắc" kèm theo số liệu về ô nhiễm môi trường khu vực đô thị thì mới thuyết phục, không thể khoanh vùng khu vực thu phí khi không có số liệu cơ sở.

Liên quan đến đề án này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, đây là hoạt động phi lợi nhuận, mức thu phí chung được tính toán dựa trên việc đáp ứng tổ chức quản lý hoạt động thu phí. Việc lựa chọn vành đai thu phí sẽ dựa trên các kết quả đánh giá tác động giao thông trong quá trình xây dựng đề án; đối tượng thu phí là ô-tô đi vào khu vực thu phí (trừ các loại xe được miễn theo quy định); nghiên cứu đề xuất chính sách miễn giảm đối với người dân có ô-tô trong khu vực thu phí.

Mức thu cụ thể được tính toán phân bố theo hướng tăng dần đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới có nguy cơ cao gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, các loại phương tiện cá nhân và các loại phương tiện có mức xả khí thải nguy cơ ô nhiễm cao. "Chúng tôi sẽ thu phí tự động khi kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm các điều kiện, mức thu phí sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai", ông Viện khẳng định.