Không để tái diễn tình trạng xe chở quá tải

Hằng năm, TP Hà Nội phải chi nhiều tiền để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông. Nhưng một bộ phận doanh nghiệp vận tải lại vì lợi nhuận, bằng nhiều “chiêu” khác nhau, vẫn sử dụng xe chở quá tải phá hỏng mặt đường. Dù lực lượng chức năng tích cực xử lý, nhưng tình trạng này chưa giảm, đòi hỏi phải có chế tài xử phạt kiên quyết hơn.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội xử lý hành vi xe chở quá tải.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội xử lý hành vi xe chở quá tải.

Từng đoàn xe tải, xe công-ten-nơ nối đuôi đi qua quốc lộ 17, đoạn phố Keo, huyện Gia Lâm, để tránh trạm thu phí ở quốc lộ 5 hay luồn lách đi trên các tuyến đê trọng yếu của các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh, Hoài Đức, đường Tây Tựu từ Nhổn đến đê Thượng Cát - Liên Mạc… đã và đang khiến người dân gặp trở ngại rất lớn khi tham gia giao thông. Ngày nắng vướng đầy bụi bẩn, ngày mưa dính đầy bùn đất. Chưa kể, "Xe chở quá tải hoạt động làm nhiều tuyến đường nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng, đe dọa sự an toàn của người tham gia giao thông", ông Nguyễn Anh Phương ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) bức xúc nói.

Để qua mắt các lực lượng chức năng, xe chở quá tải ngày càng có nhiều loại hình biến tướng, nhiều hành vi chây ỳ chống đối. Ngoài những kiểu chống đối thường thấy như lái xe không xuất trình giấy tờ; gọi điện thoại xin trợ giúp, hiện còn có những trường hợp xe chở quá tải đi tới đâu có người hộ tống tới đó nhằm dò đường, báo chốt. Gần đây còn xuất hiện tình trạng xe tải tự ý lắp đặt thùng công-ten-nơ, ngụy trang đậy kín để chở cát đá, dư luận gọi là “xe tải đột biến gien”. Chiêu này vốn không phải lạ lẫm gì, nhưng thay đổi thùng xe từ loại hở sang kín, từ xe tải thường sang siêu trường, siêu trọng thì gần đây mới xuất hiện. Thí dụ như trường hợp xe tải BKS 90C - 090.90, mang thương hiệu Vận tải Minh Định, bị Đội Thanh tra giao thông - vận tải (GTVT) cầu, đường bộ (Thanh tra Sở GTVT Hà Nội) xử phạt sáng 7-5-2020. Cụ thể, tải trọng cho phép của xe chỉ có 48 tấn, nhưng khi tiến hành cân kiểm tra, tải trọng thực tế xe chở gần 99 tấn, vượt hơn 200%. Sau khi kiểm tra, lập biên bản lỗi vi phạm, chủ xe tải BKS 90C - 090.90 đã bị phạt 75 triệu đồng, tước giấy phép lái xe hai tháng, tạm giữ phương tiện.

Đội trưởng Thanh tra GTVT cầu, đường bộ Lê Vạn Điểm cho hay, loại hình xe tải “đột biến gien” đang xuất hiện tại một số địa phương, gây nhiều khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Nếu thiếu kinh nghiệm, không chú ý kỹ thì rất dễ bị loại xe thay thùng, chở vượt tải trọng này qua mặt. 

Để xử lý tình trạng nêu trên, Thanh tra Sở GTVT đã ban hành Kế hoạch số 1059/KH - TTS và Kế hoạch tháng cao điểm kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, tập trung kiểm tra, xử lý các phương tiện chở hàng quá tải trọng quy định; các phương tiện tự ý cải tạo, thay đổi kích thước thành thùng xe; xe chở vật liệu rời, đất phế thải gây bụi bẩn mất vệ sinh môi trường giao thông trên các tuyến đường, nhất là khu vực nội thành. Trong sáu tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm 4.350 trường hợp, phạt gần 18 tỷ đồng (tăng 1,655 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019), tạm giữ 76 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 499 trường hợp. Trong đó có 691 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải, phạt hơn 9 tỷ đồng, tạm giữ 33 phương tiện; 44 trường hợp vi phạm kích thước thành thùng xe, phạt hơn 700 triệu đồng…

Theo Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Lê Xuân Tiến, để xử lý hiệu quả tình trạng xe chở quá tải, trước hết mỗi lực lượng chức năng, trong đó có Thanh tra Sở phải chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; không bao che, dung túng hoặc bỏ qua vi phạm. Phối hợp tốt theo hình thức liên ngành, tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại các đầu mối bốc, xếp hàng hóa… Các đội trưởng Thanh tra GTVT phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở GTVT nếu còn để xảy ra vi phạm.

Ông Tiến cũng cho biết, đơn vị đã đề xuất Giám đốc Sở GTVT thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa. Đối với các doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm, tái phạm, cần xem xét tạm thời tước quyền sử dụng phù hiệu, thậm chí tước giấy phép kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, cùng với việc xử lý vi phạm tại trạm cân di động, theo đề án sắp tới, thành phố sẽ lắp thí điểm trạm cân tự động trên một số tuyến đường hay có xe vi phạm. Xe nào chở quá tải sẽ bị ghi lại thông số và thời điểm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp vừa minh bạch thông tin vừa xử lý chính xác đối tượng vi phạm.

Theo đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, muốn xử lý rốt ráo tình trạng xe chở quá tải, cũng cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt, tạm thời đình chỉ thi công đối với các công trình, công trường xây dựng vi phạm. Đồng thời phải xem xét, xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình thi công xây dựng, nếu để xảy ra vi phạm. Theo đó, nếu các đơn vị vận chuyển nguyên liệu, vật liệu xây dựng cho chủ đầu tư công trình có hành vi vi phạm, thì chủ đầu tư công trình cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo các quy định của pháp luật.