Không chủ quan với dịch tả lợn châu Phi

Sau một thời gian tạm lắng, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP Hà Nội đang có chiều hướng lây lan rộng, bùng phát, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Người chăn nuôi cần đề cao cảnh giác, tránh tâm lý chủ quan.

Sau gần hai tháng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại xã Xuân Thu, đến nay dịch bệnh đã lây lan ra toàn bộ 26 xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn. Tổng số hộ chăn nuôi có lợn bị dịch là 1.150, với số lợn phải tiêu hủy hơn 16.700 con, chiếm gần 14% tổng số đàn lợn của huyện. Ông Trần Văn Hòa, người dân xã Phú Minh cho biết, gia đình ông nuôi đàn lợn hơn 10 con, trọng lượng mỗi con gần 80 kg. Từ khi trên địa bàn huyện xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, gia đình đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch, như vệ sinh chuồng trại, phun thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi. Nhưng từ giữa tháng 4 đến nay, dịch lây lan nhanh, đàn lợn của gia đình ông và nhiều hộ chăn nuôi ở chung quanh đều mắc bệnh, phải tiêu hủy. Mặc dù được chính quyền lập hồ sơ để hỗ trợ tiền, nhưng nhìn đàn lợn sắp đến ngày xuất bán phải mang đi tiêu hủy khiến ông Hòa rất xót xa.

Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan nhanh do tổng đàn lợn trên địa bàn lớn, nhưng chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư. Công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh của các hộ chăn nuôi kém và điều kiện giết mổ thủ công. Nhận thức của người dân, nhất là một số hộ chăn nuôi còn hạn chế, chưa đầy đủ khi cho rằng dịch không lây sang người, cho nên khi lợn bị ốm vẫn lén lút bán ra thị trường. Vì thế, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc “năm không”, gồm: Không giấu dịch, không giết mổ, không mua bán lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm thức ăn cho lợn. Thực hiện đợt cao điểm vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường; tăng cường công tác giám sát hoạt động giết mổ.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, mặc dù đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp, song do thời tiết diễn biến phức tạp, nóng ẩm, mưa nhiều, trong khi nhiều tỉnh, thành phố tiếp giáp với Hà Nội xảy ra dịch bệnh, cho nên dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng, nhất là từ ngày 10-4 trở lại đây. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 178 xã, phường thuộc 22 quận, huyện, chỉ còn thị xã Sơn Tây và quận Nam Từ Liêm, những địa phương có chăn nuôi chưa xảy ra dịch. Trong khi đó, Hà Nội chỉ mới khống chế thành công ba ổ dịch tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) và phường Yên Sở (quận Hoàng Mai). Tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy hơn 31.800 con. Dịch chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn các hộ chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, quy mô từ 500 con trở lên chưa xảy ra dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lây lan nhanh chủ yếu do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện tốt công tác phòng bệnh theo phương pháp an toàn sinh học. Nhiều hộ chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt. Nhiều người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thương lái, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chủ quan. Ngoài ra, những người chăn nuôi nhỏ lẻ có thói quen hay đi thăm hỏi nhau, đã vô tình mang mầm bệnh từ nhà có dịch sang nhà không có dịch mà không hay biết.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh, dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp; có thể xuất hiện, bùng phát ở bất cứ đâu, bất kể thời điểm nào. Đáng lo ngại hơn, dịch tả lợn châu Phi đã thâm nhập vào sáu cơ sở chăn nuôi lớn từ 200 đến 400 con lợn. Nhiều địa phương đã công bố hết dịch, nhưng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vẫn rất cao. Ngành nông nghiệp Hà Nội đang tích cực phối hợp các cấp, ngành, địa phương tăng cường giám sát và phát hiện sớm ổ dịch, khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan; triển khai khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi và môi trường chung quanh để ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập vào chuồng trại.

Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi, nhưng do chưa có vắc-xin phòng bệnh cho nên “cuộc chiến” chống dịch còn kéo dài. Vì thế, các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng chuyên trách và người dân cần tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, người chăn nuôi cần kiên trì thực hiện các biện pháp phòng dịch. Nhất là cần thay đổi tập quán chăn nuôi, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Thực hiện chặt chẽ các giải pháp an toàn, như chọn mua con giống từ các cơ sở chăn nuôi có uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Tiêm phòng các dịch bệnh truyền nhiễm đầy đủ, định kỳ vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại và khu vực chung quanh. Hạn chế người và phương tiện ra vào trại chăn nuôi. Khi phát hiện lợn có biểu hiện bất thường cần báo ngay cơ quan chức năng. Đối với những địa phương đã phát sinh dịch bệnh, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp khống chế, không để dịch lây lan.