Kết quả từ đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Đáp ứng nhiệm vụ chiến lược trong thời gian tới

Một giờ học của học viên lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: THÁI HIỀN
Một giờ học của học viên lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: THÁI HIỀN

Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, Thành ủy Hà Nội còn tập trung tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng liên tục, nhất là đào tạo các kỹ năng trong quản lý, điều hành để nâng cao hiệu quả công việc. Nội dung các khóa học không ngừng được đổi mới, không chỉ phù hợp với nhu cầu thực tiễn, mà còn bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ chiến lược của thành phố trong thời gian tới.

Cụ thể hóa mục tiêu

Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ và năng lực, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, khả năng hội nhập kinh tế, quốc tế đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Đồng thời, đề ra các chỉ tiêu: cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ chuyên môn sau đại học đạt từ 35% trở lên; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 100%; 100% số cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận từ trung cấp trở lên; 100% số cán bộ chủ chốt cấp phường, thị trấn và hơn  80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, để cụ thể hóa các mục tiêu này, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 20-9-2017 về "Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý" đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; chú trọng đổi mới việc xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy, đi sâu bồi dưỡng kỹ năng công tác. Giảng viên, báo cáo viên các khóa học là những chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực liên quan, các đồng chí lãnh đạo thành phố có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và thực tiễn công tác. Một số chuyên đề do các đồng chí Thường trực Thành ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp đứng lớp. Đối với lớp nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, thời gian khóa học một tháng, nội dung gắn lý thuyết với kỹ năng xử lý công việc và tìm hiểu thực tiễn ở một số địa phương; việc đánh giá kết quả học tập của học viên cuối khóa học bằng phương pháp bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trước Hội đồng là cách làm mới, sáng tạo, khoa học, đạt hiệu quả cao. 

Là học viên đã tốt nghiệp lớp nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và đã được bầu làm Thành ủy viên nhiệm kỳ 2015- 2020, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, kiến thức được lĩnh hội tại lớp học, từ kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của thành phố đến các chuyên đề về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành thực tiễn đều rất thiết thực đối với học viên, giúp các học viên sau khi hoàn thành khóa học thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tăng cả số lượng và chất lượng

Sau thành công của lớp nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, đã có 30 cơ quan, đơn vị (gồm 25 quận, huyện, thị ủy và năm đảng ủy trực thuộc) tổ chức các lớp nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ cùng cấp và nguồn quy hoạch các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý, trong đó có 26 lớp với 2.542 học viên nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ cùng cấp; 69 lớp với 8.122 học viên nguồn quy hoạch cấp trưởng, phó các phòng ban, cơ quan đơn vị và quy hoạch bí thư, phó bí thư các chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc quận, huyện, thị ủy. Riêng năm 2019, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn bí thư, phó bí thư quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho 86 cán bộ; lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn giám đốc các sở, ban, ngành, thành phố và tương đương, Chủ tịch HĐND - UBND quận, huyện, thị xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho 84 cán bộ; tổ chức hai lớp đào tạo tiếng Anh giao tiếp cho 40 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, kịp thời bổ sung đội ngũ các cấp trong nhiệm kỳ đại hội đảng bộ và bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý vừa qua; đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng cho nhân sự kế cận cho nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Đống Đa Nguyễn Anh Cường, lớp đào tạo, bồi dưỡng do Thành ủy tổ chức thật sự giúp ích cho đội ngũ cán bộ, quản lý các cấp. Tại quận Đống Đa, nhờ việc áp dụng nhuần nhuyễn các kiến thức được truyền đạt, cập nhật, cho nên việc chỉ đạo, điều hành của các đồng chí lãnh đạo quận từ công tác xây dựng Đảng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đều đạt kết quả tốt. Mới đây, quận cũng đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhân sự bảo đảm cơ cấu, tiêu chuẩn và đề ra được những định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, bên cạnh việc góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, phẩm chất chính trị, đạo đức, đây cũng là dịp giúp các đồng chí cán bộ nguồn trao đổi kinh nghiệm công tác, tăng cường học hỏi, sự hiểu biết, chia sẻ. Từ đó phối hợp hiệu quả hơn trong công việc, giúp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thành phố. “Nhiều lớp học, đích thân các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đứng lớp giảng bài, truyền đạt những kinh nghiệm phong phú từ thực tiễn công tác của bản thân, thật sự đã trang bị thêm cho các học viên nhiều bài học quý, phục vụ thiết thực công tác quản lý, điều hành”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho biết.

Chính nhờ sự chuẩn bị nguồn nhân lực bài bản, kỹ lưỡng từ “đầu vào” đến việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, cho nên kết quả nhân sự cấp ủy cơ sở ở nhiều đảng bộ như: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Bộ Tư lệnh Thủ đô... đều được nâng cao về chất lượng. Trong đó, cùng với sự nâng lên về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, hầu hết các đảng bộ bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ, một số nơi đạt tỷ lệ cao như quận Thanh Xuân đạt hơn 40%, quận Cầu Giấy đạt hơn 32%, huyện Thanh Trì đạt 29,1%, huyện Đan Phượng đạt hơn 22%... Tại Đảng bộ huyện Phúc Thọ, Bí thư Huyện ủy Lê Thị Thu Hằng cho biết, tỷ lệ cấp ủy viên cơ sở của huyện Phúc Thọ có trình độ từ đại học trở lên tăng 27,6%, đạt 94%.

Ở cấp thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, hệ số quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020- 2025 so với nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng từ 1,49 lên 1,98; trình độ chuyên môn thạc sĩ trở lên tăng từ 48,2% lên 73,2%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân tăng từ 92,9% lên 93,3%... Đây là con số đáng mừng, cho thấy chất lượng đội ngũ cán bộ của thành phố đang ngày càng được nâng lên, bổ sung nguồn lực quan trọng để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tới.

-----------------------

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4-8-2020.