Hoàn thiện các tuyến đường vành đai

Chỉ còn ít ngày nữa, hai tuyến đường vành đai quan trọng của Thủ đô là vành đai 2 và vành đai 3 sẽ hoàn thành các đoạn tuyến còn lại, không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn, mà còn tạo động lực để Hà Nội và các địa phương trong Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tới.

Tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Nam Nguyễn
Tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Nam Nguyễn

Gấp rút về đích

Những ngày này, công trường thi công đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long đang trong giai đoạn thi công nước rút. Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) Dương Viết Roãn cho biết, đến nay gói thầu số 1 (đoạn cầu cạn từ Mai Dịch đến Cổ Nhuế) đã hoàn thành hơn 93% khối lượng công việc; gói thầu số 2 (đoạn từ Cổ Nhuế đến Nam Thăng Long) hoàn thành gần 100% khối lượng. Các hạng mục chính gồm: Thảm mặt cầu; dải phân cách giữa, gờ chắn, lan can… đã cơ bản hoàn thành. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, hiện nhà thầu đang thi công năm cầu đi bộ dọc tuyến; trồng cây xanh... Ban cũng đang nhận bàn giao mặt bằng từ Dự án cầu cạn vành đai 3 trên cao do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, để thi công các hạng mục khớp nối, nhằm hoàn thành toàn tuyến đúng dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Ðông cho biết, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có vai trò rất quan trọng với giao thông Thủ đô. Bởi sau khi hoàn thành, công trình sẽ khép kín tuyến đường vành đai 3 trên cao, góp phần tạo nên một tuyến đường hiện đại, giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Ðồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn như: Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn... Ðồng thời, tuyến vành đai 3 trên cao còn kết nối trung tâm thành phố đến sân bay Nội Bài và khu vực lân cận.

Tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng cũng đang được gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để kịp thông xe vào dịp Quốc khánh 2-9. Ðại diện Liên danh nhà thầu Trung Nam E&C - Trung Chính, Trần Văn Giầu cho biết, quá trình thi công dự án gặp nhiều khó khăn về mặt bằng và giao thông, do địa hình chật hẹp, lại nằm trên trục đường có lưu lượng giao thông rất lớn. Tuy nhiên, trong hơn hai năm thi công, công tác an toàn lao động được bảo đảm tuyệt đối. Ðây là tuyến đường thuộc Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức BT do Tập đoàn Vingroup làm nhà đầu tư. Quy mô dự án bao gồm xây dựng đường vành đai 2 (phần đi bằng) đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng (dài hơn 3 km) và tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở với chiều dài 5,4 km. Dự án được khởi công từ tháng 4-2018, dự kiến hoàn thành vào quý II - 2022 với tổng mức đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Lúc đó đường vành đai 2 của Hà Nội sẽ được khép kín, hình thành trục đường chiến lược kết nối tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, đi qua tám quận, huyện của Thủ đô.

Như vậy, trên trục đường vành đai 2 hiện chỉ còn đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy chưa được mở rộng đồng bộ. Toàn tuyến đã hình thành một trục giao thông có năng lực đáp ứng lớn với cả đường trên cao, dưới thấp và các cầu vượt sông hiện đại. “Cùng với dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, dự án đường vành đai 2 sẽ góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho tám quận, huyện của thành phố, đáp ứng nhu cầu GTVT ngày một tăng giữa khu vực trung tâm với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố, tạo tiền đề hình thành chuỗi đô thị phía bắc Thủ đô”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết.

Triển khai nhiều dự án trọng điểm

Bên cạnh tháo gỡ các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, thành phố cũng đang tích cực triển khai các tuyến đường vành đai 4, vành đai 5, đoạn qua địa phận Hà Nội. UBND thành phố vừa kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách có tính đặc thù riêng trong huy động vốn, kêu gọi đầu tư, thủ tục đầu tư để Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 đi qua tổ chức triển khai đầu tư. Hà Nội cũng đề xuất Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu, thực hiện triển khai đầu tư toàn bộ tuyến đường vành đai 5 kết nối tám tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, trong đó đoạn qua Hà Nội dài 48 km để bảo đảm tính kết nối đồng bộ trên toàn tuyến.

Ðối với tuyến đường vành đai 4 được Hà Nội xác định là một trong những công trình giao thông quan trọng, tập trung kêu gọi đầu tư. Hiện thành phố  đang tiến hành xem xét hồ sơ đề xuất ba dự án đầu tư theo hình thức PPP của một số nhà đầu tư trong nước gồm: Ðoạn từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai - quốc lộ 32 - đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 34 km, có tổng mức đầu tư 16.277 tỷ đồng do Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư theo hình thức BT. Ðoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 13,9 km, có tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng của liên danh  Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành và Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển hạ tầng Nguyên Minh đề xuất theo hình thức BOT (bao gồm cả cầu Mễ Sở và hai đầu cầu). Cầu Hồng Hà và đường dẫn dài 6 km, tổng mức đầu tư 9.876 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất, nối xã Văn Khê (huyện Mê Linh) và xã Hồng Hà (huyện Ðan Phượng). Những dự án này khi được triển khai không chỉ cải thiện giao thông, diện mạo đô thị mà còn tạo thêm những lực đẩy quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và các địa phương trong nước.