Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là sử dụng các thành tựu công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới, sản phẩm và dịch vụ số, góp phần tăng năng suất lao động. Tại Hà Nội, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác vận hành, phòng, chống, cảnh báo các điểm ngập úng… tại Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước Hà Nội.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác vận hành, phòng, chống, cảnh báo các điểm ngập úng… tại Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước Hà Nội.

Tuy vậy, hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ số trên địa bàn Thủ đô vẫn còn khó khăn do doanh nghiệp thiếu tư duy kỹ thuật số, nhân lực, nền tảng công nghệ thông tin và năng lực tài chính còn hạn chế.

Dịch Covid-19 xảy ra đã tạo thêm sức ép để các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, phát triển hình thức hội họp trực tuyến, điều hành từ xa, thương mại điện tử… Theo số liệu được công bố tại hội thảo "Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số" tổ chức vào sáng 2-7 vừa qua tại Hà Nội, việc sử dụng công nghệ số để vận hành đã giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng doanh thu 34%, giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, thời gian in ấn và sắp xếp, dễ kiểm soát và lên kế hoạch phát triển kinh doanh. 15 năm nay, Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro - đơn vị chủ lực trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu của Thủ đô đã đầu tư mạnh cho thương mại điện tử. Mỗi năm kim ngạch xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp đạt khoảng 100 triệu USD.

Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội công bố tại tọa đàm trực tuyến "Chuyển đổi số trong công tác điều hành quản trị doanh nghiệp" ngày 20-8 vừa qua, có tới 90% số doanh nghiệp quan tâm vấn đề chuyển đổi số, quản trị số. Tuy nhiên, chỉ có 40% số doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho chuyển đổi số. Nhìn chung, hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ số trên địa bàn Thủ đô còn nhiều hạn chế do doanh nghiệp thiếu tư duy kỹ thuật số, nhân lực, nền tảng công nghệ thông tin và năng lực tài chính…

Không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng và áp dụng phù hợp chuyển đổi số vào lĩnh vực đang kinh doanh. Không ít doanh nghiệp còn coi chuyển đổi số chỉ là một phương tiện để phô diễn chứ không phải là một khoản đầu tư hàng đầu để thích ứng bối cảnh hậu Covid-19 và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Muốn chuyển đổi số thành công thì trước tiên phải chuyển đổi nhận thức của cán bộ, người lao động và triển khai số hóa toàn bộ tài sản thông tin của doanh nghiệp, cấu trúc lại quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Áp dụng chuyển đổi số không thể ồ ạt mà tùy từng loại hình, quy mô doanh nghiệp. Chẳng hạn như doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì nên chuyển đổi số ở khâu kế toán, hóa đơn, liên thông với ngân hàng. Doanh nghiệp vừa sẽ quan tâm đến thống nhất quản trị doanh nghiệp giữa các khối phòng ban… Mỗi loại hình sẽ có nền tảng chuyển đổi số khác nhau…

Theo ông Nguyễn Hữu Kiều, Chủ tịch HÐQT Công ty MG Land, khi đã có quyết tâm chuyển đổi số, doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường để có sản phẩm công nghệ thông tin áp dụng cho hiệu quả và cũng cần có sự trao đổi thông tin, so sánh để có lựa chọn phù hợp. Ðặc biệt, cần coi trọng kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho chuyển đổi số. Hình thành văn hóa số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân; xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ…; thúc đẩy phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi.

UBND thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hình thành hệ sinh thái hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số. Mới đây, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND hỗ trợ DNNVV trên địa bàn thành phố nhằm thúc đẩy DNNVV phát triển, tăng trưởng về chất lượng và hiệu quả, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ số, tham gia liên kết chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của DNNVV ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN.

Theo kế hoạch này, các DNNVV sẽ được hỗ trợ chung về cải cách thủ tục hành chính; tiếp cận tín dụng; thuế; mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực; được hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối kinh doanh, giới thiệu sản phẩm công nghệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh; đặc biệt, được hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, 70% kinh phí tổ chức các khóa về quản trị kinh doanh...

TS Nguyễn Minh Phong