Hai nỗi lo khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh trên phạm vi rộng. Trước tình hình này, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ người chăn nuôi. Tuy nhiên, tại một số địa phương hiện đang thiếu điểm chôn lấp lợn bị bệnh hoặc “cạn” kinh phí phòng, chống dịch.

Những ngày vừa qua, một số người dân sinh sống ở thôn Cơ Giới, xã Thụy An, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã không đồng tình việc chôn lấp hơn sáu tấn lợn bị DTLCP trong vườn của một hộ chăn nuôi vì quá gần khu dân cư. Người dân lo ngại, việc chôn lấp số lượng lớn lợn bị dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm trong khu vực và đề nghị chính quyền di chuyển bãi chôn lấp đến địa điểm khác.

Đại diện UBND xã Thụy An cho biết, khi nhận được thông tin xuất hiện bệnh tả lợn châu Phi tại một hộ chăn nuôi lợn, chính quyền đã huy động lực lượng, phương tiện để xử lý, tránh để lây lan sang những hộ chăn nuôi khác. Chủ hộ chăn nuôi đã đồng ý đào hố chôn lấp lợn trong vườn nhà, diện tích hố khoảng 8 m2. Lực lượng chức năng đã đào hố, trải bạt và đổ hóa chất, vôi bột trước và sau khi chôn lấp lợn bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân chung quanh. Hố chôn lấp không phát tán mùi hôi. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo xã Thụy An cũng thừa nhận việc chôn lợn dịch gần khu dân cư là không đúng quy định về khoảng cách chôn lấp động vật dịch bệnh theo quy định, nhưng do lợn đang trong quá trình phân hủy, cho nên việc người dân đề nghị di chuyển lợn bệnh đến địa điểm khác rất khó khăn, phức tạp. Trong thời gian tới, lực lượng chức năng của xã sẽ thường xuyên kiểm tra hố chôn, lấp thêm đất, bổ sung vôi bột, hóa chất xử lý để bảo đảm không phát tán mùi hôi ra chung quanh.

Tại huyện Quốc Oai, DTLCP đã làm hơn 20 nghìn con lợn phải tiêu hủy. Do chưa bố trí được vị trí đất phù hợp, nhiều xã đã phải sử dụng đất nghĩa trang nhân dân để chôn lấp lợn. Nhưng, diện tích đất quy hoạch nghĩa trang tại các địa phương có hạn cho nên chính quyền đang rất lo lắng nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh, số lượng lợn phải tiêu hủy lớn sẽ thiếu quỹ đất để chôn lợn.

Một khó khăn khác đối với các địa phương trong công tác phòng, chống dịch hiện nay là kinh phí, nhất là tại các huyện có số lượng lợn phải tiêu hủy lớn. Điển hình như tại huyện Đông Anh, chỉ sau gần hai tháng xuất hiện ổ dịch đầu tiên, đến nay tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy lên tới gần 28 nghìn con, tương đương 35% tổng đàn lợn. Ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh, huyện đã bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân có lợn phải tiêu hủy. Do số lượng lợn phải tiêu hủy quá lớn, số tiền phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người chăn nuôi đã vượt quá tổng kinh phí dự phòng của huyện. Tương tự tại huyện Sóc Sơn, số lợn phải tiêu hủy lên đến hơn 50 nghìn con, chiếm gần 42% tổng đàn lợn. Sóc Sơn đã sử dụng ngân sách dự phòng để phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhưng do số lượng lợn phải tiêu hủy quá lớn, tổng số tiền phục vụ công tác phòng, chống dịch đã lên tới khoảng 140 tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng chỉ có 47 tỷ đồng, gây không ít khó khăn trong công tác phòng, chống dịch…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, đến nay, DTLCP đã xảy ra tại hơn 15.500 hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, thuộc 425 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã, làm mắc bệnh và phải tiêu hủy gần 250 nghìn con lợn, chiếm hơn 13% tổng đàn lợn. Đáng chú ý, thời gian qua, dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh trên phạm vi rộng. Ngay sau khi DTLCP xuất hiện, công tác tổ chức phòng, chống dịch đã được các cấp, ngành và địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt, đúng quy trình. Từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố đã triển khai bốn đợt tiêu độc, khử trùng trên địa bàn, với tổng số hóa chất đã sử dụng là 187 tấn. Ngoài ra, thành phố và các địa phương đã cấp bổ sung 148 tấn hóa chất, 4.500 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc tại các ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao. Tổng thiệt hại cho người chăn nuôi đến nay ước tính khoảng 470 tỷ đồng, tính theo giá thị trường 30.500 đồng/kg lợn hơi. Các địa phương đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người chăn nuôi phải tiêu hủy lợn mắc bệnh kịp thời. Thống kê sơ bộ cho thấy, đến nay có khoảng một phần ba số hộ chăn nuôi được chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại. Tuy nhiên việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động, số lượng hộ chăn nuôi nhiều,…

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, có khả năng lây lan phạm vi rộng, số lượng lợn phải tiêu hủy lớn, thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành kịp thời có hướng dẫn các địa phương trong công tác tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch bảo đảm an toàn cho người dân và vật nuôi. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ kinh phí để các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người chăn nuôi. Cùng với đó, các địa phương cần chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng, cân đối các nguồn thu khác phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch.