Hà Nội nỗ lực cho cuộc bầu cử an toàn, thành công

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Thủ đô Hà Nội đang được tiến hành từng bước chặt chẽ, đúng luật, công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng và an toàn

Băng-rôn, áp-phích chào mừng ngày bầu cử trên đường phố Hà Nội. Ảnh: DUY LINH
Băng-rôn, áp-phích chào mừng ngày bầu cử trên đường phố Hà Nội. Ảnh: DUY LINH

Bài 1: Chủ động triển khai, hiệp thương lựa chọn ứng cử viên tiêu biểu

Ðến thời điểm này, các nội dung, công việc liên quan công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn Thủ đô đã được triển khai nghiêm túc, kịp thời, đúng quy trình, tiến độ. Qua ba vòng hiệp thương, danh sách và số lượng ứng cử viên đã được lựa chọn, thông qua để ngày 23-5 tới, mỗi cử tri với trách nhiệm công dân, sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú, xứng đáng nhất.

Chủ động triển khai sớm

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có điểm mới khi quy định trong quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải được hơn 50% số cử tri nơi cư trú và nơi công tác tín nhiệm. Tại Hà Nội, đợt bầu cử này cũng có nhiều nội dung khác với nhiệm kỳ trước: số lượng đại biểu HÐND thành phố giảm từ 105 xuống còn 95 đại biểu, trong đó có 19 đại biểu chuyên trách; từ ngày 1-7-2021, Hà Nội sẽ thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó không tổ chức HÐND cấp phường tại 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Xác định cuộc bầu cử có nhiều điểm mới, lại diễn ra khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, thành phố đã chủ động triển khai công tác chuẩn bị từ sớm. Ngay sau hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (tổ chức ngày 21-1-2021), ngày 23-1 vừa qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác bầu cử tới tận cấp xã, phường với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu tại các điểm cầu. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức hội nghị tập huấn công tác bầu cử cũng sớm được triển khai. 15 đoàn công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm trưởng đoàn đã được thành lập để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bầu cử tại 30 quận, huyện, thị xã.

Bà Trần Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai chia sẻ: "Chúng tôi được tiếp cận các văn bản, hướng dẫn, tập huấn các nội dung liên quan công tác bầu cử từ sớm cho nên khá chủ động trong công tác triển khai. MTTQ phường bám sát các hướng dẫn của cấp trên, tham gia đầy đủ các nội dung tập huấn liên quan công tác bầu cử, chủ động trong tham mưu với lãnh đạo xây dựng các bước hiệp thương bảo đảm đúng luật, đúng thời gian, quy định, lựa chọn ứng cử viên tiêu biểu, xứng đáng vào HÐND các cấp".

Theo đánh giá của Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội, đến thời điểm này, thành phố đã hoàn thành 23 nội dung trong 33 nội dung công việc theo kế hoạch, trong đó tất cả công việc đều được thực hiện sớm hơn mốc thời gian quy định.

Hiệp thương lựa chọn ứng cử viên tiêu biểu

Thực hiện quy trình năm bước với ba vòng hiệp thương, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã lựa chọn 37 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 160 người ứng cử đại biểu HÐND thành phố Hà Nội khóa 16. Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn lựa chọn được 1.748 ứng cử viên đại biểu HÐND quận, huyện, thị xã và 18.136 ứng cử viên đại biểu HÐND xã, thị trấn.

Có được kết quả này là do sự chuẩn bị công phu của MTTQ các cấp. Toàn bộ các bước trong quy trình của cuộc bầu cử, như công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự; hiệp thương lựa chọn ứng cử viên; tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đều kịp thời, theo đúng quy định. MTTQ đã chủ trì phối hợp chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử. Hội nghị lấy ý kiến bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng luật, đúng thành phần, tiến độ thời gian và nhất là công bằng, không phân biệt đối xử đối với các ứng cử viên.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, MTTQ các cấp đã phối hợp chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức nơi có người ứng cử đại biểu Quốc hội tổ chức 76 hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri với sự tham gia của hơn 5.700 cử tri. Tương tự, đối với ứng cử viên đại biểu HÐND thành phố, MTTQ các cấp đã tổ chức 182 hội nghị lấy ý kiến và nhận xét đối với các ứng cử viên, thu hút sự tham dự của hơn 15 nghìn cử tri. Trong quá trình triển khai, mặt trận các cấp chú trọng kiểm tra, giám sát việc ứng xử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND các cấp để bảo đảm công bằng, công khai, không phân biệt đối xử và không đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ ba những người ứng cử không đạt 50% tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá: Các hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đều có sự tham gia đông đảo của cử tri. Với tinh thần dân chủ, các cử tri đều thẳng thắn trình bày các nhận xét và tín nhiệm của mình đối với các ứng cử viên dự kiến. Các ý kiến nhận xét, đánh giá của cử tri đã được phản ánh đầy đủ, khách quan, chính xác. Có thể nói, mỗi một hội nghị thật sự là buổi sinh hoạt dân chủ của người dân, nơi người dân được phát huy quyền làm chủ, sự kiểm tra, giám sát của mình, tham gia trực tiếp vào quá trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bên cạnh đó, chất lượng của các ứng cử viên nhiệm kỳ này cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, tất cả ứng cử viên đại biểu Quốc hội có trình độ đại học trở lên; 98,13% ứng cử viên đại biểu HÐND thành phố có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; tỷ lệ nữ, tỷ lệ người trẻ, tỷ lệ người ngoài Ðảng ứng cử vào các cơ quan dân cử đạt cao.

(Còn nữa)