Giúp học sinh nhận thức đúng để điều chỉnh, sửa đổi hành vi

Từ ngày 1-11-2020, các hình thức kỷ luật học sinh như phê bình trước lớp, trước trường và cảnh cáo ghi học bạ đã chính thức bị xóa bỏ theo Điều 38 "Khen thưởng và kỷ luật" của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay vào đó là những phương pháp phù hợp, tích cực để các em nhận thức đúng, từ đó điều chỉnh, sửa đổi hành vi của mình. 

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa trong một giờ học kỹ năng sống. Ảnh: THÙY DƯƠNG
Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa trong một giờ học kỹ năng sống. Ảnh: THÙY DƯƠNG

Với kinh nghiệm nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Nguyễn Thị Hiền Lương, Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, sự nghiêm khắc, kỷ luật thép trong trường học có thể làm học sinh sợ vào thời điểm nhất định, nhưng rồi các em sẽ xa lánh thầy, cô và chưa chắc đã thật sự muốn sửa lỗi. Việc kỷ luật học sinh như vậy không đạt được mục tiêu giáo dục, trong khi chỉ cần giáo viên gần gũi, chia sẻ để học sinh cảm nhận được tình yêu thương, thì các em sẽ tin tưởng thầy cô và từ đó lắng nghe, suy ngẫm để sửa lỗi một cách tự nguyện, tích cực. Cũng không ít thầy giáo, cô giáo thừa nhận, lâu nay hình thức cảnh cáo trước tập thể theo kiểu phê bình học sinh, nêu tên các em trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp đã khiến học sinh mất thể diện, không còn ý chí phấn đấu, bỏ mặc, buông xuôi. Thực tế, với nhiều trường học, hình thức phê bình học sinh trước lớp, trước trường vẫn được sử dụng thường xuyên và coi đây là cách thức phê bình hiệu quả với những  học sinh cá biệt, vi phạm nhiều lần, thiếu tiến bộ, không chịu sửa chữa sai lầm. Chính vì phương pháp này, vô tình nhà trường đã làm cho tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ trở nên căng thẳng, nặng nề với học sinh. Không những thế, xét về tâm lý học sinh, cảm giác bị chỉ trỏ, xầm xì, bàn tán sẽ ám ảnh, đeo đuổi lâu dài, thậm chí dẫn đến những hành vi tiêu cực, thiếu kiểm soát của các em. 

Theo chuyên gia giáo dục Trần Thị Hải Yến, Giám đốc điều hành hệ thống giáo dục Alpha School, những thói quen kỷ luật, xử phạt thiếu tích cực, không phù hợp học sinh trong nhà trường và cả trong gia đình cần phải thay đổi. “Tôi ủng hộ quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các hình thức kỷ luật, khen thưởng đối với học sinh phổ thông. Việc kỷ luật học sinh trước tập thể theo kiểu trừng phạt, nhằm thỏa mãn bức xúc của giáo viên, hay để khẳng định quyền lực của người lớn, của nhà trường là không hợp lý. Ở đây, cần xác định rõ mục tiêu của việc kỷ luật, xử phạt học sinh khi các em vi phạm các quy định là để các em nhận thấy lỗi của mình và từ đó nhận thức đúng, điều chỉnh, sửa đổi hành vi của mình. Bởi vậy, cần chọn lựa những phương pháp phù hợp, tích cực để thực hiện được đúng mục đích đặt ra, chuyên gia giáo dục Trần Thị Hải Yến chia sẻ. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, cha mẹ học sinh, giáo viên cần hiểu đúng vấn đề mà quy định này nêu ra. “Hiện nay, đã xảy ra tình trạng cha mẹ học sinh không nắm được bản chất của việc kỷ luật cùng những thay đổi về cách thức thực hiện. Có người quay ra làm khó nhà trường khi con mình bị nhắc nhở do vi phạm nội quy nhà trường. Họ cho rằng giáo viên không còn quyền phạt, kỷ luật con, dẫn đến mâu thuẫn giữa giáo viên và cha mẹ học sinh trong cách thức giáo dục học sinh. Trong khi đó, nhà trường bắt buộc phải có cách thức giáo dục, nêu rõ những hành vi không đúng để dạy cho học sinh sự chính trực, sai đúng rõ ràng. Ở đây, cần phân biệt giữa khiển trách về hành vi không nên làm, chứ không phải phê phán giá trị đạo đức, phủ nhận giá trị cá nhân của học sinh. Chính vì vậy, chúng tôi đã có ý tưởng tổ chức một hội thảo chuyên đề “Phạt có cần thiết trong giáo dục trẻ em?” vào ngày 1-11 tới để tạo cơ hội cho giáo viên, cha mẹ học sinh đưa ra tiếng nói chung, thống nhất quan điểm trong cách giáo dục và xử phạt học sinh cho đúng cách và hiệu quả với mục tiêu giúp con tiến bộ”,  chuyên gia Trần Thị Hải Yến cho biết.

Hiện nay, không ít nhà trường đã đưa ra những hình thức kỷ luật tích cực, giúp học sinh tiếp thu, sửa sai một cách tự nguyện, thay vì bên ngoài thì các em tỏ ra tiếp thu, nhưng bên trong vẫn ấm ức. Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đã nhiều năm áp dụng hình thức kỷ luật như “phạt bằng lao động”, trong đó mức kỷ luật nghiêm khắc nhất là “lao động trong hè”. Học sinh phải lao động trong hè thường được thông báo kế hoạch trước trên cơ sở trao đổi, thống nhất với cha mẹ học sinh. Theo thầy giáo Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng nhà trường, nhiều học sinh sau khi được giao nhiệm vụ lao động trong hè đã bày tỏ thái độ tích cực, vì các em nhận ra việc làm sai lầm và các hình thức phạt như chăm sóc cây, xếp lại sách trong thư viện khiến học sinh không bị áp lực, có thay đổi tích cực trong nhận thức và tư tưởng.

CÓ thể thấy việc bỏ hình thức kỷ luật phê bình trước lớp, trước trường và cảnh cáo ghi học bạ trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ ngày 1-11 đã đáp ứng đúng thực tế yêu cầu trong giáo dục. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được có thể bị xử lý kỷ luật theo hình thức nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp hay khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Nhà trường vẫn có quyền tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định.