Giữ gìn và phát huy giá trị danh hiệu Thành phố vì hòa bình (Tiếp theo) *

Bài 2: Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Cùng với việc phát triển kinh tế, trong những năm qua, TP Hà Nội luôn chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ công ích, bảo đảm an sinh xã hội. Không chỉ dừng lại ở sự “no đủ”, chất lượng cuộc sống của người dân từ vật chất đến tinh thần đều được nâng lên rõ rệt, phù hợp những tiêu chí của một “Thành phố vì hòa bình”.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong ảnh: Tuyến đường Võ Chí Công kết nối giao thông khu vực trung tâm thành phố với đường Võ Nguyên Giáp đến sân
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong ảnh: Tuyến đường Võ Chí Công kết nối giao thông khu vực trung tâm thành phố với đường Võ Nguyên Giáp đến sân

Thủ đô xanh, sạch và đẹp hơn

Định cư ở Đức hơn 10 năm, vừa qua bà Nguyễn Thị Ngân mới có dịp về thăm quê tại huyện Quốc Oai (Hà Nội). Dọc con đường xanh mướt bóng cây từ sân bay quốc tế Nội Bài theo đường Võ Nguyên Giáp, qua cầu Nhật Tân, sang đường Võ Chí Công về đại lộ Thăng Long, bà Ngân cứ trầm trồ bởi sự thay đổi, ngày càng văn minh, hiện đại của Thủ đô. Không chỉ ở nội thành, khu vực nông thôn cũng đẹp hơn rất nhiều với những con đường bê-tông chạy giữa hai hàng hoa khoe sắc. Đó là cảm nhận của hầu hết mọi người khi trở lại Hà Nội, có khi chỉ sau một thời gian ngắn thôi, cũng đã thấy rõ được bước chuyển mình rõ nét của diện mạo Thủ đô. Dù còn một số vấn đề trong công tác quản lý đô thị, nhưng không thể phủ nhận Thủ đô ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao cả về vật chất và tinh thần, xứng đáng với tên gọi “Thành phố vì hoà bình”.

Nhất là sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm sau cao hơn năm trước, bình quân ba năm (từ 2016 đến 2018) tăng 7,36%; dự kiến giai đoạn 2016-2020 tăng từ 7,37 đến 7,45% (đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 đề ra). Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng. GRDP năm 2018 đạt 906,5 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng/năm, tương đương 5.043 USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách năm 2018 đạt 244,4 nghìn tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần năm 2010.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cùng với phát triển kinh tế, thành phố chú trọng công tác an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 1,18%, giảm 0,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra và hoàn thành trước hai năm mục tiêu của nhiệm kỳ 2016-2020; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,5% số dân, vượt 1,2% kế hoạch. Các thiết chế văn hóa được đầu tư, với hơn 4.000 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, hiện đại.

Bên cạnh đó, những chỉ tiêu về số trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch cũng được quan tâm. Cho đến nay, hơn 55,5% số hộ dân ở ngoại thành được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2019 tỷ lệ này tăng lên 75% và đạt 100% vào năm 2020. Với rất nhiều dự án khai thác, lắp đặt hệ thống phân phối, truyền dẫn nước sinh hoạt đã và đang triển khai, đây được đánh giá là mục tiêu “trong tầm tay”. Trong lĩnh vực môi trường, thành phố đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn một triệu cây xanh; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E5; tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông, thay thế bếp than tổ ong, cấm và hạn chế đốt rơm rạ để cải thiện chất lượng không khí. Đồng thời, thực hiện cải tạo hàng loạt hồ, ao, đầu tư các khu xử lý rác thải hiện đại.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị

Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước kết nối đồng bộ giữa các khu vực, địa phương với nhau. Kết quả đó được thể hiện bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng khoảng 0,28% diện tích đất đô thị/năm. Thành phố đã xây mới 223 km đường; phối hợp Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hoàn thành xây dựng ba cầu lớn gồm: Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh; các tuyến đường hướng tâm: Ðường 5 kéo dài, quốc lộ 32 (đoạn Nam Thăng Long - Cầu Diễn - Nhổn - Sơn Tây), đường Nhật Tân - Nội Bài...; từng bước hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai thành phố. Ðồng thời, hoàn thành hàng loạt công trình giao thông bảo đảm an sinh xã hội, gồm 2.200 km đường giao thông nông thôn; 12 công trình cầu yếu; 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, tám hầm chui cơ giới; 68 hầm chui... Hiện nay, thành phố và Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình giao thông quan trọng như: tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở); đường vành đai 3 trên cao và dưới thấp (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long). Mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt Hà Nội có những bước chuyển mình ấn tượng, cho đến nay đã có 112 tuyến, tăng 51 tuyến so với năm 2008, vận chuyển hơn 430 triệu lượt hành khách/năm (tăng 64%), bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã. Sắp tới, thành phố tiếp tục tập trung xây dựng các đường vành đai, trục hướng tâm, tạo kết nối giữa khu vực trung tâm với khu vực ngoại thành.

Nhờ đó, khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố là hình mẫu về phân bổ nguồn lực và huy động nguồn lực, kết hợp hiệu quả giữa nguồn lực từ ngân sách với nguồn lực từ nhân dân. Năm 2018, thành phố có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 324 xã, bằng 83,9%, về đích sớm hai năm so với thời hạn Nghị quyết HĐND thành phố đề ra. Thành phố có thêm bốn huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới, gồm Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn nhờ đó cũng tăng nhanh, đạt 46,5 triệu đồng/năm.

Đây là những minh chứng rõ nét cho những thành tựu Hà Nội đạt được trong 20 năm qua; đồng thời là kinh nghiệm quan trọng để Thủ đô phát triển nhanh, toàn diện hơn, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” trong thời gian tới.

(Còn nữa)

-------------------------

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 5-7-2019.