Hà Nội một góc nhìn

Gió lạnh giữa hè

Giữa cái nắng tháng 5 như đổ lửa, thoảng đâu trong oi ả trưa hè bỗng hương nồng hoa sữa. Nhẽ đâu do nóng bức quá độ, khiến các giác quan cũng kém đi dự cảm bình thường. Chỉ đến khi tận mắt nhìn ngắm những chùm hoa trắng xanh xen lẫn trong đỏ rực của phượng, tím ngát của bằng lăng, mới tin, lạ lùng kia là có thật…
Hương hoa sữa nồng nàn giữa mùa hè tháng 5 Hà Nội. Ảnh: AN CHI
Hương hoa sữa nồng nàn giữa mùa hè tháng 5 Hà Nội. Ảnh: AN CHI

Trong cảm nhận của người Hà Nội, từ lâu, hoa sữa như loài hoa của mùa riêng Hà Nội. Những đêm thu dịu mát, hương hoa tỏa nồng góc phố thân quen. Bao thơ ca đã mặc nhiên ví đó như loài hoa đặc trưng của mùa thu, khoảng thời tiết dễ chịu nhất trong năm. Như lời một bài hát đã cất lên da diết “… mùa hoa sữa rơi tháng 9 nồng nàn. Mùa thu đã sang mùa hoa cúc đến”. Có người thì bảo, hoa sữa nở tháng 5 cũng là bình thường, chỉ là sớm hơn một chút. Người thì khẳng định, hơn sáu mươi năm sống ở Hà Nội, chưa bao giờ chứng kiến hoa sữa nở giữa hè. Nhưng dù gì cũng có điều bất thường so quy luật tự nhiên, không giống như thường lệ, có thể do biến đổi khí hậu mà nên lạ.

Người Hà Nội lâu nay đã quen dần với sự trái lạ của tiết trời, quen dần với tiếng sấm cuối thu và những mùa đông không lạnh. Người trồng hoa, nhất là hoa đào, sau không ít lần thất bại cũng đã nhận ra khí hậu không còn thuận lòng người. Và để từng bước thay đổi kỹ thuật chăm sóc, thích nghi với biến đổi khí hậu, với những mùa Tết nắng nóng như hè, tự tìm phương pháp hãm cho hoa nở chậm. Rồi cũng mới tuần trước thôi, sang tháng 5 rồi, mà tiết trời vẫn như heo may, đêm ngủ vẫn đắp tấm chăn nhẹ. Nghe cái lạnh về giữa tháng 5, ai đó cũng băn khoăn đôi chút mà tự vấn rằng: Bởi ngoài trời đang gợi chút gió đông/Mới tự hỏi tháng 5 về chưa nhỉ....

Nhưng câu chuyện về biến đổi thời tiết không chỉ là chuyện hoa nở trái mùa, nắng, mưa không theo quy luật, mà thật sự đã trở thành mối lo toàn cầu, trong đó có những thành phố đang phát triển nhanh, đô thị hóa chóng mặt như Hà Nội. Theo thông tin mới đây, nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 trong không khí, theo trạm đo đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, đã vượt quá quy chuẩn an toàn của Việt Nam 88 ngày trong năm 2018 và đạt mức trung bình 40,7 microgram/m3. Tuy nhiên, nếu tính theo quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nồng độ PM2.5 (hạt bụi mịn) ở Hà Nội đã vượt quá ngưỡng an toàn 232 ngày trong năm 2018. Hà Nội xếp thứ hai trong khu vực Đông - Nam Á và thứ 209 trong tổng số 3.000 thành phố đã xếp hạng về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5, theo báo cáo “Chất lượng không khí thế giới 2018” của Công ty IQAir. Bởi vậy chống tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế tác hại từ ô nhiễm môi trường không còn là việc của riêng ai. Ở thành phố gần tám triệu dân, chưa kể số lượng lớn người phương xa về đây làm ăn, sinh sống, sự mọc lên như nấm của chung cư, cao ốc, đã dẫn đến quá tải, thậm chí khó kiểm soát về chất thải các loại đổ ra môi trường.

Bởi thế, trước khi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học nghiên cứu, tìm ra giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tác hại từ biến đổi khí hậu, mỗi người dân, trước hết là người dân Thủ đô, hãy cùng chung tay giữ gìn môi trường sống như gìn giữ lá phổi của chính mình. Mỗi ngày, mỗi người bớt sử dụng túi ni-lông, bớt xả ra môi trường vài ba cái ống hút hay chiếc hộp bằng nhựa, tắt những thiết bị điện không cần thiết… là những hành vi thiết thực vì sự sống lành mạnh của chính cơ thể mình.
Vì thế, có yêu hoa, cũng không mong hoa nở bốn mùa như thế…