Gian nan xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ

Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, ngành thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Hà Nội. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào có chất lượng, ít mẫu mã sáng tạo, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu dẫn đến các sản phẩm này thiếu sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một gian hàng tại Hanoi Giftshow 2019.
Một gian hàng tại Hanoi Giftshow 2019.

Nhiều khó khăn trong xuất khẩu

Thành phố Hà Nội vừa tổ chức thành công Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ (Hanoi Giftshow 2019). Ðây là sự kiện tiêu biểu trong ngành thủ công mỹ nghệ nước ta, có tác động tích cực đến lĩnh vực tiêu dùng và xuất khẩu, khi có tới gần 600 nhà nhập khẩu nước ngoài tới tham quan, tìm hiểu và ký kết các đơn đặt hàng. Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhận định, thông qua hội chợ, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ có cơ hội trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, thể hiện sự sáng tạo, tài hoa của những nhà chế tác, nghệ nhân. Ðồng thời, đây cũng là môi trường thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động kết nối kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu.

Thành phố hiện có hơn 1.350 làng nghề với khoảng 176 nghìn hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Tập trung vào xuất khẩu đang là con đường mà nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tại Hà Nội hướng tới. Thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm như Hanoi Giftshow, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sẽ có cơ hội tiếp cận được thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Vương Ðăng Hoa nhận định, thời gian qua, ngành thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu chưa tạo được sức cạnh tranh lớn so với một số nước trong khu vực. Nguyên nhân, do các doanh nghiệp ít đầu tư công nghệ vào sản xuất, chưa gây dựng được thương hiệu riêng, thiếu hụt nguồn nguyên liệu chất lượng, mẫu mã thiếu sáng tạo, nhiều công đoạn sản xuất chưa được chuyên môn hóa.

Liên quan đến nguồn nguyên liệu đầu vào, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm) Hà Thị Vinh trăn trở, nguyên liệu của ngành gốm sứ là cao lanh khai thác ở các vỉa khoáng sản. Trong khi đó, ở các tầng địa chất khác nhau thì chất lượng nguyên liệu sẽ khác nhau, ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm. Nhưng doanh nghiệp cũng không thể tự đầu tư một nhà máy chế biến nguyên liệu chỉ để phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp mình bởi chi phí quá lớn và khấu hao chậm.

Về thương hiệu, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất khẩu đều thông qua các doanh nghiệp trung gian dưới dạng sản phẩm thô hoặc gia công cho những thương hiệu nước ngoài. Ðã có không ít trường hợp, sản phẩm của làng nghề chỉ được bán với giá từ 15 - 20 USD, nhưng khi doanh nghiệp nhập khẩu gắn mác thương hiệu của họ thì giá trị sản phẩm đã tăng 40 lần. Việc phải "núp bóng" thương hiệu này khiến các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề chịu không ít thiệt thòi.

Cần khẳng định thương hiệu

Chuyên gia về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (Hội đồng Anh) C.Ðri-xcô cho rằng, các hỗ trợ về vốn, đào tạo nhân lực, bảo vệ thương hiệu, sở hữu trí tuệ… dù đã được quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ðể hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội có thể mạnh mẽ vươn ra thế giới cần có sự hỗ trợ quảng bá sản phẩm. Trong đó, cần phải chỉ ra rằng các sản phẩm của Hà Nội là sản phẩm có chất lượng cao, mang cá tính, mang văn hóa của người Việt để nâng cao giá trị của thiết kế cũng như sản phẩm. Ngoài ra, bà C.Ðri-xcô cũng cho rằng cần kết nối các nhà thiết kế với nghệ nhân sản xuất, doanh nghiệp sản xuất, để từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của con người.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, bên cạnh việc kết nối tạo thành một chuỗi sản xuất, nhằm tạo ra lượng sản phẩm lớn, đáp ứng được quy mô của nhà nhập khẩu, thì các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới, sản phẩm phải mang nét văn hóa của người Việt thì mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ là cần thiết; đặc biệt, cần lưu tâm thương hiệu của các hộ gia đình, chỉ dẫn địa lý mang tính chất địa điểm làng nghề. Khi đó, sẽ khẳng định được thương hiệu của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu và bảo đảm được quyền lợi của nhà xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở làng nghề xây dựng, quảng bá thương hiệu. Ðồng thời, tăng cường kết nối các doanh nghiệp này với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, qua đó giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian trao đổi, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đòi hỏi chính các làng nghề phải chủ động quảng bá sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đổi mới sản xuất.