Thi tuyển vào lớp 6 các trường THCS chất lượng cao

Đừng tạo sức ép cho trẻ nhỏ

Kỳ thi tuyển sinh lớp 6 các trường THCS chất lượng cao tại Hà Nội năm nay được ví khó hơn cả tuyển sinh đại học, bởi chỉ tiêu tuyển sinh ít, trong khi số học sinh đăng ký thi rất lớn. Áp lực vào những trường danh tiếng quay trở lại với các em nhỏ vừa tốt nghiệp tiểu học.

Phụ huynh chờ đón thí sinh dự thi vào lớp 6 Trường THCS chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Phụ huynh chờ đón thí sinh dự thi vào lớp 6 Trường THCS chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

“Năm nay, các trường THCS chất lượng cao, trường phổ thông thuộc khối đại học được tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực thay vì xét tuyển bằng học bạ như những năm trước. Điều này khiến phụ huynh học sinh vừa mừng, vừa lo. Con không cần học bạ đẹp theo kiểu chạy thành tích nhưng lại phải thi bằng thực lực. Muốn đỗ vào những trường này, hầu hết các gia đình đều phải tìm thầy giỏi, lò luyện uy tín cho con học thêm hai, ba năm trước khi thi, mới mong đỗ được” - Anh Phạm Hồng Anh, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Chính vì mục tiêu đỗ lớp 6 Trường chuyên Hà Nội - Am-xtéc-đam hay Trường THCS Nguyễn Tất Thành, từ nhiều năm nay, anh Hồng Anh đã cho con học thêm tiếng Anh hai buổi/tuần ở trung tâm luyện thi. Cháu cũng phải học thêm môn Toán và môn tiếng Việt, mỗi môn một buổi/tuần. Đã chuẩn bị như vậy, nhưng khi đưa con đến điểm thi Trường THCS Nguyễn Tất Thành, anh Hồng Anh vẫn cảm thấy căng thẳng, khi lượng học sinh dự thi vào lớp 6 trường này lên tới gần 4.000 em, trong khi chỉ tiêu chỉ có 240.

Một trong những trường có tỷ lệ “chọi” cao nhất mùa tuyển sinh năm nay là Trường phổ thông chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Là năm đầu tiên Trường phổ thông chuyên Ngoại ngữ tuyển sinh lớp 6 và chỉ lấy 100 chỉ tiêu, nhưng có đến 3.061 thí sinh đăng ký. Trong buổi đánh giá năng lực vào ngày 1-6, các thí sinh phải làm bài kiểm tra trong gần bốn giờ đồng hồ. Học sinh phải trải qua ba bài kiểm tra, gồm bài kiểm tra đánh giá năng lực môn Toán và môn Khoa học tự nhiên, bài đánh giá năng lực môn Ngữ văn và môn Khoa học xã hội; và bài đánh giá năng lực môn tiếng Anh. Không chỉ vậy, trong hai ngày 15 và 16-6, nhà trường còn gặp mặt thí sinh và phỏng vấn phụ huynh. Kết quả trúng tuyển chính thức sẽ có trước 18 giờ ngày 17-6.

Để không phải tổ chức thi với số lượng lớn học sinh như Trường chuyên Ngoại ngữ hay Trường Nguyễn Tất Thành, Trường chuyên Hà Nội - Am-xtéc-đam tổ chức tuyển sinh lớp 6 qua hai vòng. Trong đó, vòng 1, tổ chức xét tuyển những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ hợp lệ. Vòng 2, tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực đối với những học sinh đã qua xét tuyển vòng 1. Trường vừa công bố danh sách 933 học sinh đủ điều kiện dự xét tuyển vòng 1, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 200 học sinh. Như vậy, tỷ lệ chọn ở vòng 2 của trường này là 5 chọn 1 nhưng cũng rất căng thẳng, vì 933 thí sinh lọt vào vòng 2 đều có thành tích học tập đáng nể, với bảng điểm toàn 10 ở bậc tiểu học.

Tại hội thảo do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức mới đây, GS, TSKH Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhận xét: “Tôi thấy thi vào lớp 6 Trường phổ thông chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội khó ngang với tuyển sinh vào ĐH Harvard. Chúng ta còn bắt các em học như thế thì không bao giờ thay đổi được giáo dục”.

Sở dĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) từng cấm các trường không tổ chức thi vào lớp 6, không tổ chức trường chuyên, lớp chọn ở bậc học này vì không muốn gây áp lực học thêm, luyện thi cho học sinh. Tuy nhiên, để thi được vào những trường danh tiếng, nếu chỉ học chương trình thông thường thì khó có thể cạnh tranh với những thí sinh toàn điểm 10. Cũng chính vì vậy, các lò ôn luyện để trúng tuyển chắc chắn lại bung ra để thỏa mãn nhu cầu của phụ huynh học sinh. Trong khi đó, việc ôn tủ, luyện gà nòi lại là điều mà chính Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận là không phù hợp với học sinh, nhất là học sinh vừa kết thúc bậc tiểu học.

Mong con vào những trường danh tiếng đã khiến nhiều phụ huynh không ngại ngần cho con sớm “thử lửa” với kỳ thi cam go. Cuộc leo thang sẽ lại tiếp tục vào những mùa thi năm sau với những cô bé, cậu bé mới 11 đến 12 tuổi, vừa qua bậc tiểu học. Gánh nặng tâm lý, sự hao tổn thể lực để thi đấu trong môi trường học thuật đối với lứa tuổi này liệu có hợp lý hay không? Đây là vấn đề các bậc phụ huynh cần suy nghĩ.