Đưa hàng Việt Nam vào hệ thống bán lẻ Nhật Bản

Từ ngày 5 đến 12-6, tại 40 siêu thị, trung tâm thương mại AEON của tỉnh Sai-ta-ma và vùng Kan-to (Nhật Bản) diễn ra chương trình Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2019. Đây là lần thứ ba chương trình được tổ chức nhằm đẩy mạnh việc đưa hàng hóa Việt Nam vào tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, qua đó thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường ra thế giới.

Quảng bá hàng Việt Nam tại Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tổ chức tại Nhật Bản 2018.
Quảng bá hàng Việt Nam tại Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tổ chức tại Nhật Bản 2018.

Từng bước tiếp cận thị trường Nhật Bản

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch TP Hà Nội (HPA) cho biết, Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2019 được tổ chức tại 40 điểm thuộc hệ thống phân phối của Tập đoàn AEON tại Nhật Bản. Cụ thể, địa điểm chính sẽ diễn ra tại Trung tâm thương mại AEON Lake Town (tỉnh Sai-ta-ma) với diện tích khoảng 500 m2. Bên cạnh đó là 39 cửa hàng bán lẻ của AEON tại một số tỉnh thuộc khu vực nam và bắc vùng Kan-to. Chương trình có các hoạt động chính như: tổ chức giao thương giữa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và DN đầu mối nhập khẩu của Tập đoàn AEON; giới thiệu về sản phẩm, năng lực DN Việt Nam; quy định, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu, tiêu chuẩn hàng hóa đưa vào hệ thống phân phối của AEON; các DN hai bên giao dịch, đàm phán, thỏa thuận. Từ ngày 7 đến 9-6, các DN Việt Nam trực tiếp giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng Nhật Bản, qua đó tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường nước bạn.

Phó Giám đốc Trung tâm HPA Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ, Hà Nội đã ký kết hợp tác với Tập đoàn AEON để đưa hàng hóa của DN Việt Nam vào siêu thị AEON tại Nhật Bản và hệ thống siêu thị AEON tại Việt Nam trong 20 năm. Trong đó, Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2019 tại Nhật Bản là một trong những hoạt động nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, quảng bá du lịch, văn hóa Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng tại đất nước mặt trời mọc. Năm 2018, từ hàng trăm sản phẩm, HPA phối hợp Tập đoàn AEON lựa chọn được sáu sản phẩm để giới thiệu tại Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2018. Trong đó, miền bắc có một sản phẩm là Bia Hà Nội, còn lại là sản phẩm của các tỉnh, thành phố phía nam. Doanh số bán thử các sản phẩm này trong tuần hàng đã đạt hơn sáu tỷ đồng. Với Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2019, đơn vị tổ chức kỳ vọng sẽ nâng doanh số bán hàng lên 10 tỷ đồng.

Đồng thời, để hỗ trợ các DN trong việc tiếp cận các khách hàng Nhật Bản, Bộ Công thương và Tập đoàn AEON Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt một tỷ USD vào năm 2025. Thực hiện các cam kết này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam Shiotani Yuichiro cho biết, Tập đoàn AEON đã xây dựng một kế hoạch riêng cho các DN Việt Nam thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật cao nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu của các đơn vị đáp ứng các tiêu chuẩn của AEON và thị trường Nhật Bản.

Doanh nghiệp Việt Nam cần hoàn thiện mình

Như vậy, cánh cửa vào hệ thống phân phối AEON và thị trường Nhật Bản đang mở ra cho cộng đồng DN Việt Nam. Nhưng để bước qua cánh cửa này lại không dễ dàng. Tổng Giám đốc Shiotani Yuichiro cho biết: “Thực tế cho thấy, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự tại thị trường Nhật Bản. Nhiều dòng sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như hàng thời trang may mặc, đồ gia dụng, thực phẩm…, nhưng vẫn thua hàng hóa từ các nước khác nhập khẩu vào Nhật Bản. Trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam, chỉ có khoảng từ 200 đến 300 có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm xuất khẩu để đưa được hàng hóa vào AEON Nhật Bản.

Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam Ikesa Masahito giải thích, thị trường Nhật Bản có những tiêu chuẩn riêng và AEON cũng vậy. Để sản phẩm có thể góp mặt trên các kệ hàng của chuỗi siêu thị AEON, tập đoàn sẽ tiến hành thẩm định, lấy ý kiến của khách hàng. Bên cạnh đó là đánh giá nhà cung cấp bao gồm tiêu chuẩn quản lý chất lượng và điều kiện lao động, quản lý môi trường. Sau khi đánh giá hàng mẫu sẽ kiểm tra hàng sản xuất tại chính nhà máy và chỉ chính thức bán hàng khi mọi công đoạn trước đó đều được đáp ứng. Những đơn hàng đầu tiên có thể ít, nhưng nếu nhận được ý kiến tích cực từ khách hàng, AEON trực tiếp đến DN sản xuất để đầu tư, hướng dẫn và đặt hàng với số lượng lớn.

Phó Giám đốc Trung tâm HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, khó khăn lớn nhất của các DN Việt Nam hiện nay là chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn mà phía bạn đặt ra, nhất là về trang thiết bị sản xuất, nguồn nguyên liệu. Nhiều DN còn sử dụng nguồn nguyên liệu từ nước khác, trong khi phía Nhật Bản mong muốn sản phẩm sử dụng chính nguyên liệu từ Việt Nam.

Tổng Giám đốc Công ty CP Aligro Hoàng Văn Linh chia sẻ, DN cần có những bước đi và sự tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường Nhật Bản nói chung và Tập đoàn AEON nói riêng, để có thể sẵn sàng trở thành nhà cung ứng cho họ. Để đưa các sản phẩm thời trang may mặc vào hệ thống AEON, đơn vị đã tìm hiểu kỹ về dòng sản phẩm, nguyên liệu và phong cách, kiểu dáng mà người tiêu dùng Nhật Bản mong muốn. Đồng thời, trang bị máy móc với công nghệ tốt nhất, tận dụng các điều kiện về nhân công để có mức giá cạnh tranh, từ đó tiến tới có chỗ đứng vững chắc tại AEON và Nhật Bản.

Thực tế, không đơn giản để bước qua cánh cửa vào hệ thống AEON tại Nhật Bản nhưng nếu đáp ứng được các điều kiện thì DN Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tiến tới việc sản xuất, kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp, đồng thời giành được nhiều cơ hội trên thị trường thế giới hơn. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, bản thân các DN cũng cần chủ động đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường nước ngoài.